Gần đây, trong giải quyết một số vụ tranh chấp, nhất là “ tranh chấp hợp đồng vay”, Tòa án đã căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 168 và Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự để đình chỉ giải quyết vụ án; Với lý do “ Chưa đủ điều kiện khởi kiện. Vì, nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của bị đơn hoặc của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
Cụ thể, vụ bà Đ.T.N ở huyện MCN khởi kiện yêu cầu ông P.V.C và bà Ph (người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan) liên đới trả cho bà tiền vốn vay và lãi tổng cộng hơn 21,5 triệu đồng.
Trong đơn kiện và tài liệu kèm theo, bà N có cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 BLTTDS, như:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ;
đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện;
e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng;
i) Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
k) Có ký tên vào đơn khởi kiện.
Ngoài ra, bà Đ.T.N còn kèm theo đơn yêu cầu xác nhậnđịa chỉ của ông C, bà Ph và được công an xã AT, huyện MCN xác nhận có nội dung“ ông C, bà Ph cư trú đúng địa chỉ bà N cung cấp và đang có mặt tại địa phương”. Sau khi thụ lý, Toà triệu tập nhiều lần để hoà giải nhưng ông C, bà Ph không đến Toà, nên Toà án đã tiến hành xác minh; Kết quả, công an xã AT xác nhận “ông C, bà Ph đi làm ăn xa không trình báo địa phương, không có mặt tại địa phương vào thời điểm thụ lý vụ án và hiện nay không xác định được địa chỉ của họ ở đâu”. Căn cứ vào xác nhận này, Toà án có thông báo thời hạn để bà N cung cấp địa chỉ hiện tại của bị đơn. Quá thời hạn thông báo nhưng nguyên đơn vẫn không cung cấp được địa chỉ hiện tại của bị đơn nên Toà đã đình chỉ giải quyết vụ án với lý do như đã nêu trên. Vậy, Toà đình chỉ là đúng hay sai?
Hiện tại có hai quan điểm trái ngược nhau trong giải quyết tình huống này
- Quan điểm thứ nhất:
Toà đình chỉ là đúng, bởi lẽ: Theo điểm h khoản 2 Điều 58 BLTTDS, thì đương sự có quyền” Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình” và theo khoản 2 Điều 60 BLTTDS, thì bị đơn có quyền “ Được Toà án thông báo về việc bị khởi kiện”. Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì bị đơn phải biết được mình bị kiện thông qua việc nhận được thông báo của Toà án. Để thực hiện các quyền được quy định tại điều 175, 176 BLTTDS. Nếu như, sau khi yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ hiện tại của bị đơn, nhưng nguyên đơn không cung cấp được( trường hợp bị đơn bỏ đi khỏi địa phương); và cũng không có chứng cứ chứng minh việc bị đơn biết hoặc nhận được thông báo thụ lý của Toà án, thì Toà án ra quyết định đình chỉ vụ án; Với lý do: “Chưa đủ điều kiện khởi kiện” theo điểm d khoản 1 Điều 168 BLTTDS. Nếu toà án tiếp tục thụ lý giải quyết sẽ ảnh hưởng đấn quyền lợi của bị đơn và họ cũng không biết để khiếu nại. Hiện tại, toà án hai cấp đang vận dụng lập luận của quan điểm này để đình chỉ những vụ đang thụ lý.
- Quan điểm thứ hai:
Toà án phải tiếp tục giải quyết vụ kiện, bởi lẽ: Trong đơn kiện và tài liệu kèm theo, bà N có cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 BLTTDS; nên căn cứ hướng dẫn tại khoản 6 Điều9 của NQ số 05/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của HĐTP-TANDTC, thì: Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS, hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết này và Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết nàynhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Trong trường hợp này toà án phải thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng đảm bảo đúng quy định tại Điều 149 BLTTDS Các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng
Việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây:
1. Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện hoặc người thứ ba được ủy quyền;
2. Niêm yết công khai;
3. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu như Toà án đã thực hiện đầy đủ các quy định từ Điều 146 đến Điều 156 BLTTDS, cho dù bị đơn không có ý kiến về việc bị kiện, thì Toà án dẫn tiếp tục giải quyết vụ kiện theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều9 của NQ số 05/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của HĐTP-TANDTC. Do đó, Toà căn cứ vào việc nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ mới hiện tại của bị đơn, không chứng minh bị đơn nhận được thông báo thụ lý của Toà, để ra quyết định đình chỉ vụ án là không đúng quy định của pháp luật và gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn.
Theo Anh –Chị thì quan điểm nào là đúng? Anh, Chị có hướng giải quyết tình huống này đúng quy định của pháp luật không?
Lê Văn Tâm
Phòng 5 - VKSND tỉnh Bến Tre