Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Đồng chí Thanh Nhã - Viện KSND thành phố Bến Tre gửi bài viết về Ban biên tập có nội dung như sau:

Tòa án nhân dân thành phố A ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự với nội dung cụ thể như sau: ông Nguyễn Văn X và bà Nguyễn Thị Z đồng ý hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 15/01/2010, đối với phần đất thuộc thửa số 1 tờ bản đồ 2 diện tích 500m2 do bà Nguyễn Thị Z đứng tên tọa lạc xã B, thành phố A. Bà Nguyễn Thị Z đồng ý trả lại số tiền 500.000.000 đồng cho ông Nguyễn Văn X.

Quyết định có hiệu lực pháp luật, ông X làm đơn yêu cầu thi hành án.

Chi cục thi hành án dân sự thành phố A ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của ông X.

Đã hết thời gian tự nguyện thi hành án nhưng bà Z không tự nguyện thi hành án. Qua làm việc ông X và bà Z đều yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên thửa đất trên để trả nợ cho ông X.

Tuy nhiên, Chi cục thi hành án nhận thấy, bên được thi hành án là ông X hiện tại vẫn còn đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa số 1 tờ bản đồ 2 tọa lạc xã B, thành phố A. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án không đề cập đến việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quyền sử dụng đất từ ông X sang tên cho bà Z nên không thể thực hiện được việc kê biên hoặc cưỡng chế. Đối tượng tài sản kê biên phải do bà Z đứng tên.

Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho ông X và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Z theo quyết định công nhận sự thỏa thuận.

Cơ quan có thẩm quyền không giải quyết được theo yêu cầu cơ quan thi hành án. Theo khoản 6 Điều 87 Nghị định 43 ngày 15/5/2014 của chính phủ quy định: “…thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án đã được thi hành”.

Tòa án có công văn phúc đáp yêu cầu cơ quan thi hành án. Theo sự thỏa thuận thì quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật thì bà Z có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan chức năng để làm thủ tục đăng ký sang tên từ ông X sang qua cho bà Z.

Có hai quan điểm đưa ra thi hành án:

* Quan điểm thứ nhất: Chi cục thi hành án tiến hành cưỡng chế kê biên xử lý tài sản do ông X đứng tên quyền sử dụng. Sau đó, thẩm định giá và đưa ra bán đấu giá theo quy định. Số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản trên sẽ trả nợ cho ông X nếu còn dư trả lại cho bà Z. Theo Điều 7, 7a Luật THADS, Điều 5 nghị định 62 ngày 18/7/2015 thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận với nhau về phương thức, nội dung thi hành án. Qua làm việc, ông X và bà Z đều đồng ý yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên phần đất trên để trả nợ cho ông X, ông X cũng tự nguyện đưa GCNQSD đất cho cơ quan thi hành án để làm thủ tục sang tên cho người mua được tài sản, mọi chi phí phát sinh ông X tự nguyện chịu. Như vậy, cơ quan thi hành án sớm giải quyết được việc thi hành án.

* Quan điểm thứ hai: Không thể kê biên tài sản được vì đất thuộc quyền sử dụng của người được thi hành án lại kê biên đảm bảo thu hồi nợ cho người được thi hành án. Chi cục thi hành án thu hồi quyết định cưỡng chế và báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm quyết định trên vì quyết định tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quyền sử dụng đất hoặc yêu cầu bà Z làm thủ tục đăng ký lại quyền sử dụng đất từ ông X sang tên cho bà Z nên không thể thi hành án.

Hai quan điểm trên, quan điểm nào là phù hợp nhất. Theo bạn còn quan điểm nào khác? Rất mong sự đóng góp trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp./.

Tạo mới bình luận

Mã bảo mật
Làm mới