Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 20/5/2017, A (chưa có tiền án, tiền sự) đến tiệm Internet PP thì gặp bạn là B đang chơi game. Biết B có xe mô tô nên A hỏi mượn để đi công việc, A hỏi nhiều lần nên B đồng ý cho mượn. Khi mượn được xe, A điều khiển ghé vào trạm xăng để đổ xăng. Khi mở cốp xe, A phát hiện trong cốp xe có giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe và giấy chứng minh nhân dân của B nên A nảy sinh ý định đem xe đi cầm để lấy tiền tiêu xài…
Nội dung vụ án:
Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 20/5/2017, A (chưa có tiền án, tiền sự) đến tiệm Internet PP thì gặp bạn là B đang chơi game. Biết B có xe mô tô nên A hỏi mượn để đi công việc, A hỏi nhiều lần nên B đồng ý cho mượn. Khi mượn được xe, A điều khiển ghé vào trạm xăng để đổ xăng. Khi mở cốp xe, A phát hiện trong cốp xe có giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe và giấy chứng minh nhân dân của B nên A nảy sinh ý định đem xe đi cầm để lấy tiền tiêu xài. Liền lúc này, A điều khiển xe đến nhà trọ NT để tìm bạn là C. Khi đến nhà trọ, A gặp bạn là D (là bạn của A và C), A liền hỏi mượn giấy chứng minh nhân dân của D để đi cầm xe. Nghĩ là A đi cầm xe của A nên D đồng ý. Liền sau đó, A điều khiển xe chở D đến tiệm cầm đồ để cầm chiếc xe nêu trên cho anh E (là chủ tiệm cầm đồ) với giá 03 triệu đồng, trong thời hạn 30 ngày và không trở về địa phương. Xe mô tô có giá trị 10 triệu đồng.
Thấy A không đem xe về trả nên B nhiều lần nhắn tin yêu cầu A trả xe. A nhắn tin qua điện thoại cho B biết là xe đã đem cầm cố và nói với B đến nhà trọ NT gặp C nhận lại giấy tờ và giấy cầm xe để đi chuộc xe. B đến nhà trọ gặp C nhận lại giấy tờ và giấy cầm xe. Sau đó, B trình báo cơ quan chức năng thu hồi lại xe mô tô trên.
Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 BLHS. Bởi các lẽ: A mượn xe của B thông qua giao dịch mượn xe hợp pháp. Sau khi mượn được xe A nảy sinh ý định và đem xe đi cầm. Hành vi này của A là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với giá trị tài sản mà A chiếm đoạt là 10.000.000 đồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bởi lẽ: Mục đích A muốn chiếm đoạt là 03 triệu đồng (số tiền cầm xe) chứ không phải toàn bộ chiếc xe vì sau khi cầm xe, A đưa giấy cầm xe và thông tin nơi cầm xe để B đi chuộc xe; hơn nữa, A cầm xe trong hạn 30 ngày, chưa hết thời hạn nên A vẫn còn thời gian để chuộc lại xe và thực tế thì xe đã được thu hồi; do đó, trong trường hợp này xác định giá trị tài sản mà A chiếm đoạt chỉ là 03 triệu đồng chưa đủ định lượng để cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Mong sự đóng góp trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp./.
Bùi Quốc Việt – Phòng 3 Viện KSND tỉnh Bến Tre