Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Trong quá trình kiểm sát thường xuyên tại Cục THADS tỉnh, Phòng 11 – Viện KSND tỉnh Bến Tre nhận thấy đơn vị đã ban hành nhiều quyết định thi hành án theo yêu cầu của người phải thi hành án. Trong đó, người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù giam, người thân của họ viết đơn tự nguyện nộp tiền thi hành án thay. Trong hồ sơ thi hành án dân sự không có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án chỉ có đơn tự nguyện nộp tiền thi hành án thay của gia đình người phải thi hành án. Cơ quan thi hành án theo đó để làm cơ sở cho việc ban hành quyết định thi hành án dân sự là theo đơn yêu cầu thi hành án của bên phía gia đình người phải thi hành án. Ví dụ điển hình Quyết định thi hành án theo yêu cầu số 110/QĐ-CTHADS ngày 04/4/2017 cho thi hành án đối với ông H.V.H, sinh năm 1994-Đăng ký thường trú ấp Phú Thạnh, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Khoản thi hành: ông H.V.H tự nguyện bồi thường chi phí điều trị và tổn thất tinh thần số tiền 14.500.000 đồng cho bà N.T.Th.N, sinh năm 2000 trong tổng số tiền phải bồi thường 20.000.000 đồng. Đã thi hành được 5.500.000 đồng, nay tiếp tục bồi thường 14.500.000 đồng.

Hiện nay, có hai ý kiến khác nhau về vấn đề này: một là cho rằng để đảm bảo quyền lợi cho người phải thi hành án tạo điều kiện cho bản thân hoặc gia đình họ tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho họ có điều kiện xét giảm án. Đại đa số là những trường hợp trước đây đã thi hành án được vài lần, nay tiếp tục nộp tiền. Theo Cục THADS tỉnh hiện nay pháp luật thi hành án dân sự không quy định rõ là căn cứ ra quyết định thi hành án dân sự chỉ phải theo yêu cầu của người được thi hành án hay người phải thi hành án. Theo quy định tại Điều 36 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” và tại điểm a khoản 1 Điều 7a quy định người phải thi hành án có quyền: “Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án”.

Tuy nhiên, có quan điểm khác lại lặp luận quyết định thi hành án dân sự theo yêu cầu thì phải xét đến đơn yêu cầu của người được thi hành án bởi lẽ phần căn cứ để ra quyết định thi hành án là khoản 1 Điều 36 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 là nó liên quan đến thời hiệu thi hành án, đình chỉ thi hành án để tránh trường hợp người được thi hành án không đồng ý hoặc không yêu cầu thi hành để nhận tiền thi hành án. Vì nếu quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu nhưng hồ sơ chỉ có đơn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án là không đảm bảo tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật vì không hoặc chưa có đơn yêu cầu của người được THA nên không có cơ sở chi trả tiền cho đương sự. Điểm a khoản 1 Điều 7 Quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án quy định người được thi hành án có quyền: “Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này”.

Trong thực tế đã xảy ra trường hợp ra quyết định thi hành án dân sự theo yêu cầu của người phải thi hành án không thi hành được do người được thi hành án không đến nhận tiền. Cụ thể: từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 5 năm 2016, Cục THADS tỉnh ban hành 04 quyết định thi hành án với nội dung ông V.T.T tự nguyện nộp bồi thường cho L.T.H.N (do bà T.T.N mẹ ruột của N nhận thay) tổng cộng 2.000.000 đồng. Quá trình giải quyết thi hành án, Chấp hành viên được phân công giải quyết án đã nhiều lần có văn bản thông báo mời bà T.T.N đến Cục THADS tỉnh để nhận số tiền do ông T nộp nhưng bà N không đến nhận (gửi Thông báo qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm). Qua xác minh được biết, trước đây bà N có thuê nhà trọ tại ấp 1, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre để ở nhưng từ năm 2009 bà Ngọc đã chuyển đi nơi khác sinh sống, không còn tạm trú tại đây, chính quyền địa phương không xác định được bà N hiện đang cư trú tại đây. Hiện số tiền này đang được Cục THADS tỉnh gửi vào Ngân hàng theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn.

Hoặc trường hợp quyết định thi hành án số 120/QĐ-CTHADS ngày 26/4/2016 và Quyết định số 142/QD-CTHADS ngày 04/5/2016 nội dung ông L.V.N tự nguyện cấp dưỡng nuôi con cho bị hại Đ.N.L tổng số tiền 1.000.000 đồng do bà V.T.L trú tại ấp 3, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre đại diện nhận thay. Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã thông báo mời bà V.T.L đến Cục để nhận tiền cấp dưỡng do ông N tự nguyện nộp nhưng bà L không đến nhận tiền. Chấp hành viên phụ trách việc án trực tiếp đến nhà bà L để thông báo, giải thích, yêu cầu bà L nhận số tiền cấp dưỡng nhưng bà L không đồng ý nhận vì số tiền do ông N nộp quá ít so với bản án tuyên, bà không ký tên vào biên bản làm việc. Hiện số tiền này đang được Cục THADS tỉnh gửi vào Ngân hàng theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn.

Vậy số tiền này sau thời hạn 5 năm mà người được thi hành án vẫn không đến nhận thì giải quyết thế nào? Nếu theo khoản 2 Điều 126 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì “Hết thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ Nhà nước”.

Rất mong được sự trao đổi nghiệp vụ của các anh em đồng nghiệp về vấn đề này để công tác kiểm sát thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao hơn nữa về chất lượng./.

Thiên Hương – Phòng 11

Tạo mới bình luận

Mã bảo mật
Làm mới