Ngày 15/3/2015 Công ty TNHH cung ứng nhựa đường H (gọi tắt là Công ty H) kiện Công ty TNHH công trình cầu đường B (giọi tắt là công ty B) ra Toà dân sự Toà án nhân dân thành phố B yêu cầu Công ty B trả cho Công ty H số tiền 3,5 tỷ.
Ngày 25/6/2015 Toà án nhân dân thành phố B ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa Công ty H và Công ty B. Theo đó Công ty B đồng ý trả cho Công ty H số tiền 3,5 tỷ.
Ngày 01/8/2015 Công ty H làm đơn yêu cầu thi hành án.
Quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục thi hành án dân sự thành phố B tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của Công ty B nhưng Công ty B chưa có điều kiện thi hành án.
Ngày 02/01/2017 Công ty H làm đơn khởi kiện ra Toà án nhân dân Thành phố B yêu cầu tuyên bố phá sản đối với Công ty B (kèm theo các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp lệ).
Tuy nhiên Toà án đã trả lại đơn yêu cầu cho Công ty H vì cho rằng vụ việc đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Vấn đề này, hiện nay có 02 quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Toà án trả lại đơn yêu cầu cho Công ty H là đúng vì: Tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật phá sản quy định: “1. Toà án nhân dân ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp sau:
- Người nộp đơn không đúng theo quy định tại Điều 5 của Luật này”.
Theo đó, khoản 1 Điều 5 Luật phá sản quy định:“ 1.Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”. Ở đây Công ty H đã khởi kiện Công ty B ra toà bằng một vụ án dân sự. Toà án đã giải quyết bằng một quyết định công nhận sự thoả thuận do đó Công ty H chấm dứt tư cách chủ nợ. Hơn nữa vụ việc đang được Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành mục đích của việc thi hành án cũng nhằm buộc công ty B trả tiền cho công ty H. Do đó Công ty H không có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố Công ty B phá sản.
Quan điểm thứ 2: Toà án trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho công ty H là không đúng, bởi vì:
Việc kiện đòi nợ và việc kiện yêu cầu tuyên bố phá sản là hai việc hoàn toàn khác nhau, quan hệ pháp luật tranh chấp khác nhau. Có thể xem kiện đòi nợ là tiền đề dẫn đến việc kiện yêu cầu tuyên bố phá sản. Kiện đòi nợ là yêu cầu Toà án xác định khoản nợ của Công ty B (là một hình thức chốt nợ của Công ty H). Còn việc kiện yêu cầu tuyên bố phá sản là nhằm yêu cầu Toà án chấm dứt tư cách pháp nhận của Công ty B.
Trong vụ kiện đòi nợ, bản án, quyết định của Toà án không đề cập đến việc giải thể cho nên không thể nói vụ việc đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Mặt khác:
Thủ tục phá sản là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ nợ, phục hồi sản xuất kinh doanh cho công ty bị yêu cầu tuyên bố phá sản, cụ thể:
Với các Công ty chưa thực sự phá sản mà cố tình né tránh việc trả nợ thì tuyên bố phá sản sẽ là một hình thức nhằm buộc Công ty nhanh chóng có kế hoạch trả nợ để duy trì sản xuất, không bị phá sản, không bị mất uy tín đối với các khách hàng và gánh nhiều hệ luỵ từ việc bị tuyên bố phá sản.
Với các Công ty đã thực sự rơi vào tình trạng phải tuyên bố phá sản thì thủ tục tuyên bố phá sản là một hình thức để Công ty vựt dậy, có cơ hội chốt nợ, chốt lãi, phục hồi sản xuất. Chủ nợ còn có thể kiểm soát được tài sản, dòng tiền ra, vào của công ty. Hơn nữa khi mở thủ tục phá sản tất cả sổ sách của công ty sẽ được đưa ra xem xét, đó cũng là lý do để gây sức ép nhằm buộc chủ sở hữu công ty, người điều hành công ty tìm phương hướng để thanh toán nợ. Người quản lý, điều hành công ty còn có thể bị buộc cấm thành lập công ty, cấm điều hành công ty khác trong một thời gian dài khi công ty đó bị tuyên bố phá sản nên có thể sẽ tìm cách hoặc bỏ tiền túi ra để trả nợ cho công ty.
Đây là một vấn đề mới do đó có các quan điểm trái chiều. Còn bạn, quan điểm của bạn như thế nào? Hãy cùng nhau tranh luận nhé!
Xa Riêng-Viện kiểm sát ND thành phố Bến Tre