Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự của TAND huyện Châu Thành ngày 13/4/2016, chị V.T.H.T được quyền nuôi 02 con N.G.T và N.T.B, sinh cùng ngày 23/3/2015. Anh N.T. H được quyền thăm nom, chăm sóc, dạy dỗ con chung không ai được quyền ngăn cản. Vì lợi ích của con chung sau nay, một hoặc cả hai bên có quyền yêu cầu thay đổi việc nuôi con và cấp dưỡng nuôi con.

Trước đó vào ngày hòa giải tại Tòa (ngày 05/4/2016), anh H đã đồng ý và giao hai con cho chị T. Tuy nhiên đến ngày 28/5/2016, anh H đến thăm hai con tại nhà chị T, lợi dụng lúc gia đình chị T không để ý đã lén bế hai cháu về nhà mình ở xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành.

Chị T gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục THADS huyện Châu Thành thì cơ quan này ra Thông báo về việc từ chối nhận yêu cầu thi hành án. Lý do: căn cứ khoản 4 Điều 7 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành án”. Chị T khiếu nại đến Cục THADS tỉnh Bến Tre. Cục THADS tỉnh Bến Tre ra văn bản trả lời đơn với nội dung: vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án. Việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án là phù hợp theo quy định pháp luật.

Hiện nay, vụ việc này có những quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Anh H cùng gia đình có quyền đến thăm con nhưng không được có hành vi lén lút tổ chức để bắt hai đứa trẻ về nuôi. Bởi đó là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật. Nếu anh H muốn giành quyền nuôi con phải khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân quyết định thay đổi quyền nuôi con. Chị T có quyền yêu cầu cơ quan có chức năng xử lý hành vi trái pháp luật của anh H bắt, giữ người trái pháp luật theo Điều 123 Bộ luật hình sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Quan điểm thứ hai: Chị T có quyền yêu cầu cơ quan công an sở tại tiến hành điều tra làm rõ, hành vi, động cơ, mục đích và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật của anh H theo Điều 120 Bộ luật hình sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) ở cấu thành cơ bản như sau: “Người nào mua bán, đánh tráo, hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất cứ hình thức nào thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”

Quan điểm thứ ba: Hành vi trên không cấu thành tội phạm và cũng không vi phạm pháp luật. Vì dù Điều 120 Bộ luật hình sự có quy định “dưới bất kỳ hình thức nào” nhưng xét đây là trường hợp quan hệ huyết thống trực hệ (cha con ruột). Chị T chỉ cần nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương nơi gia đình anh H cư trú, nhất là Hội phụ nữ xã để vận động, thuyết phục gia đình anh H giao lại hai con, đảm bảo quyền nuôi con của người mẹ theo Luật Hôn nhân gia đình và quyết định thuận tình ly hôn của TAND huyện Châu Thành đã ban hành. Bởi trong trường hợp này, hai bé còn quá nhỏ (khoảng 16 tháng tuổi), thì người cha chăm sóc liệu có phải là hợp lý.

Rất mong được sự trao đổi nghiệp vụ của các anh em đồng nghiệp về vấn đề này để công tác kiểm sát ngày càng được nâng cao hơn nữa về chất lượng./.

Thiên Hương - Phòng 11 - VKSND tỉnh Bến Tre

Tạo mới bình luận

Mã bảo mật
Làm mới