Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Bán đấu giá là giai đoạn cuối cùng và quan trọng trong quá trình xử lý tài sản của người phải THA để bảo đảm việc THA. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bán đấu giá về việc tài sản đưa ra bán đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản…. Đây là một việc làm cần thiết giúp bán được tài sản, thi hành được việc án.

Tuy nhiên theo quy định của Khoản 3 Điều 104 Luật THADS năm 2014 “Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lí, sử dụng”. Vấn đề đặt ra ở đây là sự giảm giá bán quá nhiều lần và chỉ dừng lại khi giá trị tài sản được giảm bằng với chi phí đã bỏ ra trong quá trình cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá như vậy có phải là một biện pháp hiệu quả tối ưu nhất hay không? Cụ thể:

Vụ thứ nhất: Quyết định THA số 295/QĐ-CTHADS ngày 17/4/2013 của Cục trưởng Cục THADS tỉnh buộc Công ty TNHH T do ông Phan Hoài T làm giám đốc công ty phải trả cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Bến Tre số tiền 5.116.061.911 đồng. Cục THADS tỉnh đã kê biên, tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản của hộ bà Trương Thị Trúc M là quyền sử dụng đất diện tích đất 335,2 m2, tờ bản đồ số 11, thửa đất 196 và nhà tọa lạc tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre. Giá khởi điểm bán đấu giá là 4.200.000.000 đồng nhưng không có người đăng ký. Đến thời điểm này, sau 15 lần giảm giá tổng giá trị còn lại làm giá khởi điểm tiếp tục bán đấu giá là 2.330.475.000 đồng.

Vụ thứ hai: QĐ 03/2013/QĐST-KDTM ngày 13/3/2013 của TAND tỉnh Bến Tre, buộc ông Nguyễn Ngọc D, ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị L phải liên đới nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch số tiền 18.094.000 đồng; phải liên đới trả cho Ngân hang TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Bến Tre số tiền là 806.317.527 đồng… Cục THADS đã kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có thửa 2784 tờ bản đồ số 2 diện tích 957 m2 tại ấp An Bình, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam sau 12 lần giảm giá từ giá khởi điểm là 335.302.133 đồng đến nay còn 172.273.643 đồng.

Xét về mặt giá cả, thông thường trong quá trình tổ chức bán đấu giá mà phải giảm đến một nửa hoặc hơn một nửa… nhưng vẫn bán không được, đối với tài sản là động sản thì quy luật về giá trị của tài sản không còn bảo đảm. Đối với tài sản là bất động sản thì việc bán đấu giá tài sản không có người mua có thể xuất phát từ nhu cầu của khách hàng chứ không phải do tài sản bị giảm giá trị.

Xét về mặt kinh tế, việc làm như vậy là phi kinh tế, bởi không thể xử lý đến cùng một tài sản để cuối cùng chỉ nhằm thu hồi về số tiền bằng với chi phí đã bỏ ra.

Một vấn đề khác phát sinh mà pháp luật chưa quy định là tài sản giảm giá đến bằng chi phí cưỡng chế, nhưng vẫn không bán được và người được thi hành án cũng không nhận để trừ nợ, thì được trả lại cho người phải thi hành án, sau đó có thể kê biên, bán đấu giá trở lại chính tài sản đó không, thời gian bao lâu thì được kê biên trở lại? Và liệu rằng quá trình THA đến bao giờ mới kết thúc.

Nhìn lại văn bản trước, như Pháp lệnh số 13/2004/PL-UBTVQH 11 ngày 11 tháng 1 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thi hành án dân sự, thì quy định “Nếu sau hai lần giảm giá mà tài sản vẫn không bán được thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản theo giá đã giảm để thi hành án. Nếu người được thi hành án không nhận thì Chấp hành viên trả lại tài sản đó cho người phải thi hành án và áp dụng biện pháp cưỡng chế khác” (Điều 48). Quy định như trên cũng không hợp lý vì những nguyên nhân chủ quan, khách quan như người phải THA sẽ lợi dụng mọi cách cản trở để tài sản không bán được hoặc tài sản bán đấu giá không có giá trị sinh lợi trong thực tế (vị trí, quy mô…). Điều này vô tình tạo ra kẽ hở cho người phải THA chây ì cố tình không thi hành. Trong khi đó người được THA thì bức xúc vì quyền lợi hợp pháp của họ bị thiệt hại dù suốt quá trình THA được thực hiện triệt để.

Thi hành án dân sự là một công việc đầy khó khăn và phức tạp, vì tác động trực tiếp đến lợi ích vật chất, đến đời sống của người phải thi hành án. Cho nên yêu cầu phải hoàn thiện hơn nữa các quy định định giá và bán đấu giá tài sản là một vấn đề cần thiết và phù hợp với thực tiễn.

Rất mong được sự trao đổi nghiệp vụ của các anh em đồng nghiệp về vấn đề này để công tác kiểm sát thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao hơn nữa về chất lượng./.

Phòng 11 - VKSND tỉnh Bến Tre

Tạo mới bình luận

Mã bảo mật
Làm mới