Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Nộp phí thi hành án là một trong những quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 và Điều 60 Luật thi hành án dân  sự sửa đổi bổ sung năm 2014. Theo đó, người được thi hành án phải nộp phí thi hành án.

Để quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ nộp phí thi hành án của người được thi hành án, mức phí, các trường hợp không phải chịu phí thi hành án. Điều 46 và  47 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định:

“Điều 46. Mức phí, thủ tục thu nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án

1. Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án khi được nhận tiền, tài sản với mức phí sau đây:

a) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;

b) .........

    .........

Điều 47. Những trường hợp không phải chịu phí thi hành án

Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án khi được nhận các khoản tiền, tài sản thuộc các trường hợp sau đây:

1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận.

3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi.

4. Số tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định.

5…….”

Như vậy, nghĩa vụ nộp phí thi hành án của người được thi hành án chỉ phát sinh khi người được thi hành án nhận được tiền hoặc tài sản và mức phí thi hành án được tính trên số tiền tại thời điểm người được thi hành án thực nhận.

Tuy nhiên để hiểu và áp dụng đúng quy định này, cụ thể là áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46 và khoản 4 Điều 47 của Nghị định, thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn do cách hiểu và vận dụng pháp luật chưa đồng nhất.

Ví dụ: Bản án dân sự sơ thẩm số 03 ngày 20/9/2015 của Tòa án nhân dân thành phố BT tuyên buộc ông Nguyễn Văn A có nghĩa vụ trả cho bà Phan Thị B số tiền 86.785.125 đồng. Án có hiệu lực pháp luật, ngày 01/11/2015 ông A làm đơn tự nguyện thi hành án trả cho bà B số tiền 2.000.000 đồng. Chi cục thi hành dân sự thành phố BT ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án của ông A thu số tiền 2.000.000 đồng chi trả cho bà B và thu phí thi hành án 3% đối với số tiền trên. Đến ngày 10/01/2016 ông A tiếp tục làm đơn yêu cầu thi hành án với số tiền 1.950.000 đồng. Chi cục thi hành án tiếp tục ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án của ông A thu số tiền 1.950.000 đồng  chi trả cho bà B và thu phí thi hành án 3%.

Xung quanh vấn đề này có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau như:

Quan điểm thứ nhất: Thống nhất với việc Chi cục thi hành án thu phí thi hành án đối với bà B trong hai trường hợp trên là đúng

Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc Chi cục thi hành án thu phí thi hành án của bà B trong hai trường hợp trên là không đúng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 và khoản 4 Điều 47 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ. Lý do:

Số tiền, giá trị tài sản theo đơn yêu cầu thi hành án và số tiền thực nhận dưới hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định: Lần thứ nhất bà B thực nhận số tiền 2.000.000 đồng và lần thứ hai thực nhận số tiền 1.950.000 đồng.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Trong trường hợp của bà B, lần thứ nhất bà B thực nhận số tiền 2.000.000 đồng dưới hai lấn mức lương tối thiểu không thu phí thi hành án. Tuy nhiên đến lần thứ hai bà B được nhận 1.950.000 đồng cộng hai lần nhận tiền thi hành án thì tổng số tiền bà B thực nhận trên hai lần mức lương tối thiểu do đó phải truy thu phí thi hành án đối với bà B là 3% của tổng số tiền hai lần nhận.

Trên đây là khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46 và khoản 4 Điều 47 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ mong nhận được ý kến đóng góp của các đồng nghiệp./.

Xa Riêng – VKSND thành phố Bến Tre 

Tạo mới bình luận

Mã bảo mật
Làm mới