Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng. Người quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước: Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”
Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ cách mạng được đề cập trong nhiều bài nói, bài viết của Người. Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc (tháng 2 năm 1948), Người đã đề ra những yêu cầu chuẩn mực về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác tư pháp trong chính quyền mới là: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Đối với ngành kiểm sát nhân dân, ngày 26/7/1960 Bác Hồ ký Lệnh số 20/LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực thi hành. Theo đó, Ngành KSND đã được thành lập. Để chuẩn bị cho việc thành lập hệ thống Ngành kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt- Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Lắm cùng với đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960.
Sau khi xây dựng xong dự thảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc đến báo cáo với Bác Hồ để xin Người cho ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với dự thảo trên nguyên tắc chung của Hiến pháp năm 1959 đã quy định. Hồ Chủ tịch căn dặn, đại ý là: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, Viện kiểm sát phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ của mình và đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Ngành kiểm sát. Là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, cán bộ ngành Kiểm sát phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy, khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ đã nói: Cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, lời dạy của Bác luôn là chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát, để mỗi cán bộ, đảng viên của ngành kiểm sát nhân dân phấn đấu rèn luyện, coi đó là phương châm giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về chính trị tư tưởng, về kiến thức pháp luật và về nghiệp vụ kiểm sát.
Trong không khí nô nức thi đua và thiết thực tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm thành lập của toàn ngành kiểm sát nhân dân nói chung và ngành kiểm sát Bến Tre nói riêng, trong mỗi kiểm sát viên đều nhớ rất rõ lời dạy của Bác, nắm rất vững những truyền thống của ngành.
Song, với những các bạn trẻ mới vào ngành thì thời gian để nắm vững lời dạy của Bác, hiểu rõ về truyền thống của ngành ít nhiều cũng còn hạn chế. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tôi mong muốn được gửi gắm đến các bạn những kiến thức mình tổng hợp được để chúng ta cùng hiểu rõ hơn về những điều mà Bác Hồ dạy và càng thêm yêu quý màu áo xanh, càng hãnh diện hơn về công việc chúng ta đang làm.
Trước hết, nói về Công minh: Công minh là phải luôn công bằng, sáng suốt trong công việc. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp phải luôn theo đúng lẽ phải, không thiên vị, nhận thức rõ ràng và giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn, không sai lầm. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng việc xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Người cán bộ Kiểm sát phải công tâm khi thực hiện nhiệm vụ, không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà làm trái pháp luật, trái với lẽ công bằng.
Theo Bác,người cán bộ Kiểm sát không chỉ công minh mà còn Chính trực trong công việc. Phẩm chất chính trực đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trong công việc của mình phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành theo đúng lẽ phải, không gian dối, không thiên vị, không mờ ám, luôn coi trọng công việc.
Đức tính “công minh, chính trực” là hai nội dung Bác đặt lên hàng đầu, thường gắn liền với nhau thể hiện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và lương tâm trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát, trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các họat động tư pháp phải luôn nắm vững các căn cứ pháp luật và các chính sách của Đảng để vận dụng pháp luật kết hợp với chính sách trong từng trường hợp cụ thể. Mọi hành vi pháp lý của cán bộ, kiểm sát viên phải xuất phát từ qui định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, đồng thời phải chống chủ nghĩa cá nhân, không thiên vị nể nang đối với những người thân thích, quen biết; không vì lợi ích cá nhân mà né tránh, không dám thẳng thắn đấu tranh bảo vệ công lý, cũng không vì thù oán cá nhân mà xử lý sai đối với người mà mình không có thiện cảm hoặc người dám đấu tranh, phê bình những biểu hiện sái trái của mình. Người cán bộ Kiểm sát công minh, chính trực phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không chần chừ, do dự, hữu khuynh, né tránh, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các họat động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Về tác phong và phương pháp làm việc, Bác Hồ yêu cầu cán bộ Kiểm sát phải khách quan, thận trọng, phải xuất phát từ thực tế, dựa trên những căn cứ khoa học để phân tích kỹ lưỡng, toàn diện sự việc trước khi đưa ra các quyết định, tránh sai sót.
Tính khách quan của người cán bộ Kiểm sát biểu hiện ở chỗ, khi giải quyết công việc, người cán bộ Kiểm sát phải luôn xuất phát từ thực tế, thể hiện một cách trung thực, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật, không nhìn nhận, đánh giá một cách chủ quan, phiếm diện, định kiến cá nhân. Phải đi sâu tìm hiểu, phân tích, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở khoa học, chứng lý thực tế để đưa ra quyết định giải quyết sự việc một cách phù hợp, chính xác.
Thận trọng cũng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của người cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực người cán bộ Kiểm sát phải tận tâm tận lực với công việc, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, tổng hợp đánh giá mọi tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh của sự việc thực tế xảy ra; đối chiếu với quy định của pháp luật, từ đó xác định đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở đó tham mưu báo cáo đề xuất cho cho lãnh đạo viện quyết định xử lý vụ việc đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời, không được vội vàng, hấp tấp hay do dự quá làm chậm tiến độ xử lí.
Khiêm tốn là thể hiện đúng mức, không tự cao, tự đại, quan liêu, cửa quyền, hống hách. Khiêm tốn đòi hỏi phải đánh giá đúng về bản thân mình, không kiêu căng, tự mãn, cầu thị học hỏi để ngày càng thêm tiến bộ. Có khiêm tốn mới có đủ tỉnh táo để nhận thức chân lý một cách đúng đắn, khách quan, đồng thời mới có được sự ủng hộ của nhân dân. Sự khiêm tốn của người cán bộ Kiểm sát có nghĩa là luôn ý thức và thái độ đúng mức trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân, không tự lấy làm thỏa mãn những gì mình đã đạt được mà không tự phấn đấu, học tập để tiếp tục vươn lên; không tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác và ngược lại, khiêm tốn nhưng không rụt rè, nhút nhát, tự ti; là cán bộ Kiểm sát phải khiêm tốn mới được nhân dân gần gũi, tin tưởng, mới cho ta những điều cần biết, mới nhiệt tình giúp ta sửa chữa khuyết điểm, đồng thời phối hợp tốt với các ngành, đặc biêt là các cơ quan tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn vì độ lượng nó hẹp. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn”. Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là vô cùng khó khăn, phức tạp, có thật sự khiêm tốn, cầu thị thì mới chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của nhân dân, đồng thời mới phối hợp tốt với các ngành, đặc biệt là với các cơ quan tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Có thể nói “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” là những đức tính rất quan trọng và cần thiết, là cụ thể hóa về phẩm chất đạo đức cách mạng và tác phong của người cán bộ kiểm sát theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, là yếu tố không thể thiếu trong ngũ đức của cán bộ, đảng viên nói chung và đặc biệt quan trọng đối với người cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng.
Thực hiện lời Bác dạy, 55 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ Kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đề cao tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trở thành công cụ đấu tranh sắc bén của Đảng trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền tự do, dân chủ và những lợi ích chính đáng của nhân dân.
Th.Kiều
Phòng 5- Viện KSND tỉnh Bến Tre