Trước thềm năm mới, bắt đầu năm công tác 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong đó có ngành Kiểm sát. Năm cả nước tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; kỷ niệm 55 năm thành lập ngành kiểm sát nhân dân. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp lý luận và thực tiễn công tác thời gian qua. Với mong muốn góp phần nâng cao nhân thức của cán bộ, đảng viên của ngành kiểm sát về ý nghĩa tâm quan trong của việc nâng cao đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Đại xin giới thiệu bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và nêu cao đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát trong giai đoạn hiện nay”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Tư tưởng của Người là ánh đuốc soi đường cho nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã khẳng định: “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động”. Và trong khối tài sản tinh thần vô giá ấy, thì vấn đề đạo đức cách mạng luôn được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu. Trong các kỳ Đại hội của Đảng, Đảng ta cũng đều nhấn mạnh sự cần thiết và giá trị nhân văn sâu sắc của việc nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, càng thấy rõ tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết cần nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung và đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát nói riêng theo lời dạy của Bác trong giai đoạn hiện nay
Có thể khẳng định, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh giữa đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời kế thừa những tư tưởng đạo đức phương Đông, những tinh hoa đạo đức nhân loại và đặc biệt quan trọng là tư tưởng đạo đức của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Theo Người, đạo đức là nền tảng, là sức mạnh của người cách mạng, ví như gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Người viết “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Theo đó, người coi đạo đức cách mạng là: trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; Là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chỉ làm những việc ích nước, lợi dân, không ham địa vị, quyền hành, không nghĩ đến quyền lợi cá nhân; Là luôn yêu thương con người, yêu thương đồng bào, đồng chí, không phân biệt họ ở miền xuôi hay miền ngược, là trẻ hay già, gái hay trai, biết sống bao dung, rộng lượng, tha thứ đối với những người có sai lầm khuyết điểm, sống có nghĩa có tình; Và có tinh thần quốc tế trong sáng, yêu thương, tôn trọng tất cả các dân tộc, nhân dân các nước, chống sự thù hằn, bất bình đẳng dân tộc, sự phân biệt chủng tộc, chống chiến tranh,…tất cả vì một thế giới hòa bình.
Bên cạnh những chuẩn mực chung về đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh còn có những chuẩn mực đạo đức riêng, những lời dạy, yêu cầu riêng đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Với ngành Kiểm sát, một ngành mà theo Bác là cơ quan đi kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát nhân dân hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật, vì vậy cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thân trọng, khiêm tốn”.
Trước hết, Bác đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải công minh, nghĩa là phải luôn công bằng và sáng suốt trong công việc. Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải luôn theo đúng lẽ phải, không thiên vị, nhận thức rõ ràng và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, không sai lầm. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng; không vì tiền tài vật chất, vì lợi ích riêng mà làm trái pháp luật, trái lẽ công bằng.
Người cán bộ kiểm sát không chỉ công minh mà còn phải chính trực trong công việc, Chính trực là ngay thẳng, cương trực, có ý chí, phải lương thiện, thật thà, luôn hướng về những điều phù hợp với đạo lý, lòng luôn hướng về nhân nghĩa, tuân thủ pháp luật. Thực hành công việc phải chân thành, chính xác, kịp thời đồng thời phải có tính mềm dẻo chủ động, linh hoạt với mọi tình huống.
Hai đức tính “Công minh, chính trực” phải gắn liền với nhau, thể hiện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và lương tâm nghề nghiệp của người cán bộ kiểm sát. Trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải luôn nắm vững các căn cứ pháp luật và các chính sách của Đảng để vận dụng phù hợp từng trường hợp cụ thể. Mọi hành vi pháp lý của cán bộ Kiểm sát viên phải xuất phát từ quy định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Để đảm bảo sự công minh, chính trực, người cán bộ Kiểm sát phải có tác phong và phương pháp làm việc khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Tính khách quan của người cán bộ kiểm sát biểu hiện ở chổ, khi giải quyết công việc phải luôn xuất phát từ thực tế, không suy diễn, không xuyên tạc, không nhận xét đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện một chiều. Phải đi sâu tìm hiểu phân tích đánh giá một cách toàn diện, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để đưa ra quyết định một cách chính xác nhất. Thận trọng là khi xem xét một sự việc, một con người phải nhìn toàn diện, không tùy tiện, vội vàng, hời hợt, đơn giản mà phải suy tính thật cẩn trọng. Đây chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật của người cán bộ Kiểm sát.
Là cán bộ ngành Kiểm sát, bên cạnh những đức tính kể trên đòi hỏi cần có tác phong khiêm tốn. Do đặc thù của công việc và vị trí công tác mà rất dễ xảy ra tình trạng tự cao, tự đại, hóng hách, kêu ngạo, xem thường đồng chí, đồng nghiệp. Sự khiêm tốn của người cán bộ kiểm sát thể hiện ở ý thức và thái độ đúng mức trong nhìn nhận đánh giá bản thân, không lấy làm thỏa mãn những gì mình đạt được mà không tự phấn đấu, học tập để tiếp tục vươn lên, không tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác và ngược lại. Khiêm tốn nhưng không rụt rè, nhút nhát, tự ti. Có như thế mới được dân gần gũi, tin tưởng, mới cho ta những điều cần biết, mới nhiệt tình giúp ta sữa chữa khuyết điểm, đồng thời mới tạo được mối quan hệ phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, thời gian qua tập thể cán bộ công chức, Đảng viên ngành Kiểm sát luôn không ngừng phấn đấu, tích cực tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của ngành là bảo vệ pháp luật, bảo vệ công bằng xã hội. Hàng năm, cả nước có hàng nghìn vụ án, và người phạm tội (Bình Đại khoảng 80 vụ/năm) đã được Viện Kiểm sát đưa ra truy tố, xét xử từ đó góp phần giữ gìn trật tự xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số cán bộ, Kiểm sát viên có biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống, dẫn đến nhiều sai lầm khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Một số Kiểm sát viên còn chủ quan trong quá trình xem xét đánh giá, chứng cứ vụ án, không làm rõ tính khách quan và tính có liên quan giữa nguyên nhân và hậu quả của vụ việc, động cơ và mục đích phạm tội của đối tượng, vội vàng đưa ra kết luận. Đôi lúc áp đặt ý chí chủ quan khi hỏi cung, lấy lời khai của bị can. Áp dụng pháp luật có khi không chính xác, do chưa phân tích rõ bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Chưa làm rõ các tình tiết có liên quan đến vụ án và nhân thân người phạm tội nên có trường hợp truy tố sai tội danh, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ không đúng dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung, thậm chí đình chỉ không phạm tội hoặc tòa tuyên không tội. Do chủ nghĩa cá nhân mà không ít người đã bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất sẵn sàng bóp méo sự thật, chạy án, chạy tội,…hậu quả là một số Kiểm sát viên phải bị pháp luật xử lý.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu khiêm tốn, thâm chí có biểu hiện hống hách, cửa quyền, nhũng nhiễu, phiền hà nhân dân vẫn còn xãy ra ở một vài nơi trong ngành Kiểm sát. Một số cán bộ, Kiểm sát viên khi làm việc với đương sự, bị can bị cáo còn tỏ vẻ tự cao, xem thường tiếng nói, lời khai của đương sự, không tôn trọng đương sự khi đến khiếu nại tố cáo hoặc tố giác tội phạm. Một số cán bộ còn có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi” trong quá trình giải quyết án, chưa phối hợp tốt giữa Kiểm sát viên với Điều tra viên, đôi lúc còn đùn đẩy trách nhiệm, sử dụng quyền năng pháp lý không đúng cách dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ công tác, trả hồ sơ điều tra bổ sung bừa bãi, không có căn cứ,…
Trong điều kiện hoàn cảnh đất nước như hiện nay đòi hỏi Ngành kiểm sát nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên của đơn vị nói riêng cần phải nhận thức sâu sắc hơn lời dạy của Bác, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện hơn nữa trong thời gian tới. Trước những khó khăn thách thức rất lớn của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Ngành kiểm sát và mỗi cán bộ, đảng viên của ngành cần tiếp tục học tập, quán triệt sâu sắc tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, thực hiện nghiêm các chuẩn mực đạo đức mà Bác Hồ đã dạy đối với ngành Kiểm sát. Xây dựng môi trường rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu của cán bộ đảng viên, tạo điều kiện cho họ thường xuyên làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; làm cho cán bộ, đảng viên có nếp sống kỷ luật, lành mạnh, có đạo đức cách mạng, trong sáng; cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ, đảng viên làm gương cho quần chúng, nói đi đôi với làm. Đồng thời, tích cực phòng ngừa và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu tham nhũng, lãng phí. Phấn đấu rèn luyện, học tập đạt tiêu chuẩn “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” theo yêu cầu của Ngành. Nêu cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, bản thân cần động viên họ nêu cao tinh thần tự lực, khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quan hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân, chủ động và sáng tạo trong công tác góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thường xuyên khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt hơn xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình tố tụng liên quan đến yếu tố nước ngoài mà thời gian qua ngành Kiểm sát mắc phải.
Tóm lại, cuộc sống đang đòi hỏi phải làm trong sạch Đảng và làm lành mạnh đời sống đạo đức của xã hội. Hai mặt đó phải tiến hành song song, phải khắc phục các nguyên nhân đẻ ra các tệ nạn tiêu cực; càng phải khắc phục nguyên nhân đã để cho các tệ nạn tiêu cực phát triển. Trong cuộc đấu tranh này, phải lấy việc xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt, như đã được nêu ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng. Ý thức được vấn đề này, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác: “Đảng ta là Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” Phải giữ gìn “Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Không ngừng ra sức phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng nói chung và chuẩn mực đạo đức của ngành Kiểm sát nói riêng theo lời dạy của Bác. Góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XI của Đảng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại cuộc sống an bình cho nhân dân./.
Hoài Phương
VKSND huyện Bình Đại