Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành một cụm từ quá đỗi quen thuộc trong đời sống hàng ngày của mọi người. Hiểu một cách chung nhất, dịch vụ mạng xã hội ( hay thường được gọi tắt là mạng xã hội) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Mạng xã hội có những tính năng như trò chuyện, chia sẻ hình ảnh, tài liệu, thông tin...

Năm 2006, sự ra đời của Facebook đánh dấu bước ngoặc mới cho hệ thống mạng xã hội trực tuyến. Theo thống kê mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal có trụ sở tại Singapore, tính đến hết năm 2023, Facebook có 3,04 tỷ người dùng trên toàn cầu và vẫn là mạng xã hội có số người dùng lớn nhất hiện nay. Ấn Độ hiện là quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới, với 314,6 triệu người. Xếp các vị trí tiếp theo lần lượt là Mỹ, Indonesia với 175 triệu và 119,9 triệu người dùng. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới, với 66,2 triệu người dùng và xếp ở vị trí thứ 7.

Không kể các lợi ích về mặt kết nối bạn bè, kinh doanh hay giải trí.., ở góc độ nâng cao nhận thức và năng lực cá nhân, đặc biệt là vấn đề tư tưởng của người dùng, mạng xã hội có những tác dụng tích cực đáng kể.

Mạng xã hội giúp con người mở rộng một số quyền tự do cá nhân. Đây là một lợi ích có thể nói là rất quan trọng và cơ bản mà sự phát triển này đã giúp người sử dụng thể hiện ngày càng rõ nét. Họ có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về rất nhiều vấn đề trong xã hội, đặc biệt là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về các vấn đề trong xã hội, cả khen ngợi, phê bình lẫn phản biện, góp ý, đề xuất. Từ đó, mạng xã hội đã tác động đến việc mở rộng quyền tự do ngôn luận, gián tiếp thúc đẩy quyền tự do báo chí, cũng như một số quyền tự do dân chủ khác. Hơn nữa, mạng xã hội còn giúp người dùng phát huy một số năng lực cá nhân như thông qua việc tự giới thiệu một số hoạt động, kỹ năng, sở trường... của mình để có thể xây dựng được hình ảnh tích cực với người khác hơn.

Một lợi ích khác của mạng xã hội là cải thiện và nâng cao kỹ năng sống. Hiện mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các trang dạy các kỹ năng như ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể dục thể thao... để người sử dụng có thể xem tham khảo, tự học và có thể học bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần đến lớp hay phải tốn học phí. Hoặc khi cần, nhiều người có thể nhờ bạn bè hỗ trợ thông tin, kỹ năng, cách xử lý các tình huống cụ thể. Chính nhờ tham gia mạng xã hội, chúng ta có thể học được nhiều kỹ năng cơ bản và cần thiết trong cuộc sống hơn.

Trong một số trường hợp đặc biệt, một cá nhân có thể tạo ra được sự quan tâm của dư luận khi đưa một thông tin, hình ảnh trên trang mạng xã hội của mình và tạo ra một dòng xu thế trong một thời điểm nhất định. Điều này có thể thúc đẩy công chúng gồm cả người tham gia mạng xã hội lẫn người không tham gia cùng bày tỏ quan điểm xử lý một vụ việc, một vấn đề theo hướng tốt hoặc không tốt, đồng thời đưa người tạo ra trào lưu đó trở nên nổi tiếng ở cả góc độ tích cực lẫn tiêu cực. Những lợi ích trên đối với cộng đồng nói chung, đối với cán bộ, đảng viên nói riêng là rất tích cực không chỉ cho cá nhân từng người mà còn cho cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc hại, định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Tham gia mạng xã hội là quyền của mỗi người nhưng để thể hiện ý thức trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, cũng như bảo đảm mạng xã hội thật sự hữu ích, lành mạnh, cần có sự gương mẫu của mọi người, tiên phong là cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, việc kết nối với những người không tốt, lãng phí thời gian với mạng xã hội, bị “nghiện”, bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc một số phiền toái khác, mạng xã hội dĩ nhiên cũng có những tác hại không nhỏ.

Ở mạng xã hội, bên cạnh nhiều thông tin hay, bổ ích, đúng sự thật thì nạn tin giả cũng rất nhiều. Vì nhiều lý do, thông tin giả được tạo ra một cách cố ý có mục đích hoặc vô ý, đưa đến những người đọc cả tin và chính họ góp phần phát tán thông tin đó lan rộng mạnh hơn, xa hơn, có thể gây ra những nguy hại cho nhiều người. Người tiếp nhận loại thông tin này nếu không thẩm định rõ ràng, không thận trọng, có thể bị ảnh hưởng dẫn đến hoang mang, dao động về nhận thức, tư tưởng thậm chí bị lừa đảo mất tài sản.

Khi tiếp nhận một thông tin nào đó không tích cực, người dùng có thể bị dẫn dắt để có suy nghĩ và hành động sai trái, lệch chuẩn. Hoặc khi bị cảm xúc chi phối từ những luận điệu, thông tin không đúng, người ta cũng có thể có thái độ sai lệch về vấn đề đó. Một số người hay “nhẹ dạ cả tin” nên khẳng định rằng “không có lửa thì sao có khói” và tin những điều mình tiếp cận được và hành động theo sự tin tưởng đó. Hiệu ứng tâm lý đám đông lắm khi thúc đẩy người dùng mạng xã hội “lạc vào” và không thoát ra được, dẫn đến có suy nghĩ và hành động theo đám đông kia mà không phải trường hợp nào cũng đúng đắn, tích cực.

Hơn nữa, không ít người dùng mạng xã hội hiện nay thích công kích người khác hoặc cổ vũ sự công kích của người khác đối với cá nhân, tổ chức, thậm chí cả với Đảng và Nhà nước. Có một số suy nghĩ sai lệch rằng khi viết trên mạng xã hội phải nói khác với chủ trương, đường lối chung thì mới được coi là “tiến bộ”, “tích cực”. Bên cạnh đó, một số người luôn có xu hướng thiếu trung thực trong đánh giá, nhận xét lại hay làm người phán xét, luôn tự nhận mình đúng đắn, còn ý kiến của người khác là sai trái..., dẫn đến trạng thái công kích nhau.

Không phải chỉ có giới trẻ mới rơi vào các tác hại này mà ngay cả cán bộ, đảng viên nếu không tỉnh táo vẫn có thể bị tác động và trên thực tế đã có không ít người sử dụng mạng xã hội không tích cực, thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các ý đồ sai trái. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở nhóm người sử dụng mạng xã hội lớn tuổi và ít có kiến thức về công nghệ thông tin, sự cả tin và chịu sự tác động của các tin giả, tin xấu lại nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Và trong trường hợp này, không loại trừ cán bộ, đảng viên có thể trở thành những người bị lợi dụng, bị tác động tiêu cực nhiều nhất, bên cạnh những cán bộ, đảng viên trẻ tuổi có kỹ năng sử dụng mạng xã hội tốt nhưng lại có hạn chế về kiến thức, nhận thức.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của mạng internet, nhiều đảng viên, công chức, viên chức đã sử dụng các trang blog, mạng xã hội,... để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói, đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở xã hội ta. Bởi cùng với những người khác, đảng viên có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp về nhiều vấn đề của xã hội, của đất nước, kể cả của Đảng.

Nhưng trong số này, có một số cán bộ, đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh, kể cả có người đang công tác ở các cơ quan của Đảng, của chính quyền.

Bên cạnh số đông người tham gia, sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức, trách nhiệm, góp phần tích cực xây dựng mạng xã hội trong lành, vẫn xuất hiện tình trạng số ít người, trong đó có hiện tượng một số cán bộ, đảng viên, đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, khi tham gia mạng xã hội lại có phát ngôn lệch chuẩn, đi ngược đạo lý và truyền thống dân tộc, thậm chí có ý kiến trái ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, hùa theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là hiện tượng cần được lên án, phê phán, thậm chí xử lý nghiêm khắc.

Các năm vừa qua, Công an huyện Bình Đại đã xử lý theo quy định của pháp luật một số đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về Đảng, Nhà nước, các chính sách pháp luật trên mạng xã hội. Đây là sự cảnh tỉnh đối với ý thức của những người tham gia mạng xã hội, dù ở bất cứ lứa tuổi nào, cương vị nào, nếu không nhận thức được việc làm của bản thân sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Đôi khi, chỉ cần cái nhấp chuột trên màn hình máy tính của mỗi người cũng đã quyết định đến việc câu chuyện đó sẽ đi đến đâu, là minh chứng cho thấy những con người của xã hội đang tung hô hay nhấn chìm sự việc.

Có thể thấy rằng, Internet và mạng xã hội đang mang lại nhiều giá trị tích cực, cho phép người dùng tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trải nghiệm cuộc sống; giao lưu, gắn kết cộng đồng, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, kinh doanh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Intemet và mạng xã hội như “người bạn đồng hành” của nhiều người. Việt Nam là một đất nước dân chủ, công dân có quyền được tự do ngôn luận và tự do báo chí, phát ngôn những gì mình muốn, viết ra những gì mình thích. Nhà nước luôn hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức để công dân Việt Nam được phát huy hết quyền lợi của mình. Lợi dụng những quyền lợi tốt đẹp ấy mà có không ít những cá nhân, bộ phận người dân - vì kém hiểu biết, vì chưa nắm rõ nguồn tin, và cũng có một phần chống đối Đảng và Nhà nước, đưa ra những phát ngôn, bài viết với thông tin sai trái và luận điệu thù hằn. Đối mặt với một không gian mạng xã hội phức tạp như vậy, chúng ta - những người công dân Việt Nam nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng cần phải làm gì để chắt lọc nguồn tin và bài trừ những thông tin sai lệch. Đối với một số người, sử dụng mạng xã hội chỉ là vui chơi, giải trí, nhưng trong cuộc chơi này, không hoàn toàn vô bổ, cũng không phải hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn, chớ nhẹ dạ cả tin với những gì đọc được trên mạng xã hội. Mạng xã hội có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám”. Ở đó, có những thông tin, hình ảnh, video... quý giá mà chúng ta vô tình “nhặt được” từ bạn bè của mình, từ đó có thể cung cấp cho bản thân những tư liệu hay hoặc gợi mở để tiếp tục tìm hiểu và thu thập được những thông tin cần thiết, có ích. Thế nhưng, không phải điều gì trên mạng xã hội cũng có thể đáng tin hết. Có rất nhiều điều chỉ là sự gán ghép vô tội vạ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là có ác ý của ai đó, về một cá nhân nào đó. Hoặc có những điều bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý chính trị rõ ràng hay đơn giản chỉ là một trò đùa của một người nào đó, mà ta đinh ninh là sự thật.

Mạng xã hội cho phép người dùng về cơ bản là tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ rất nhiều loại thông tin, hình ảnh, tư liệu. Gần đây, một số dịch vụ mạng xã hội có tính năng “lọc”, là một hình thức kiểm duyệt, như Facebook sẽ hạn chế cho đăng những hình ảnh, video clip có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục (như khỏa thân, lộ các bộ phận nhạy cảm của cơ thể,...) hay có tính chất bạo lực (cảnh đánh nhau, có đổ máu,...). Thế nhưng, với các nội dung khác, các mạng xã hội gần như không kiểm duyệt và trên thực tế cũng không thể kiểm soát toàn diện. Do đó, người sử dụng cần phải thận trọng với tất cả các thông tin, hình ảnh mà mình chia sẻ, trích dẫn, để tránh đưa những thông tin không chính xác hoặc vốn là thông tin có dụng ý xấu của ai đó.

Một số người sử dụng mạng xã hội cho rằng “mình thích thì mình đăng thôi”, nhưng không phải trường hợp nào cũng có lợi hay đơn giản là vô hại. Khi nhiều người phản ứng về cách học tiếng Việt theo sách công nghệ giáo dục, trên mạng xã hội xuất hiện các clip chế giễu về các hình tròn, vuông, tam giác, thậm chí có một số bài hát mang tính châm biếm, một số người thấy vui nên chia sẻ về trang của mình. Điều này tưởng chừng không ảnh hưởng gì đến ai, nhưng kỳ thực nó phản ảnh thái độ của người chia sẻ, có thể hiểu là không đồng tình hoặc phản đối cách dạy tiếng Việt đó. Nhưng thực tế, sự nhìn nhận của nhiều người là sai lầm, khi các hình tròn, vuông, tam giác không phải là sự biểu thị các từ của tiếng Việt mà đơn giản chỉ là các đơn vị để thể hiện ra từng tiếng khi phát âm. Ví dụ, từ “ba mẹ” được biểu thị bằng 2 hình (bất kỳ) thì có nghĩa là được phát âm ra 2 tiếng, mỗi tiếng tương ứng với một hình. Một trẻ học lớp 1 sẽ đếm các hình đó để biết rằng phát âm của từ “ba mẹ” có mấy tiếng. Vậy nên, khi một người chia sẻ các thông tin, các clip về vấn đề này thì vô tình hay cố ý truyền đi một thông điệp đến các bạn bè trong danh sách của mình rằng “đang có một sự việc như thế” và “tôi có thái độ như này”, gián tiếp thúc đẩy người khác có cùng quan điểm với mình. Trong trường hợp thông điệp đó là tích cực thì sẽ có tác động tích cực, nhưng nếu tiêu cực thì ảnh hưởng cũng sẽ tiêu cực.

Đôi lúc, có người chọn phương án là “để đây và không nói gì”, chẳng hạn đưa đường dẫn (link) của ai đó cho rằng một lãnh đạo Việt Nam bị đầu độc, về một người Việt Nam vi phạm trong nước trốn ra nước ngoài và bị bắt đưa về nước xét xử, hàm ý rằng “người ta nói vậy, chứ tôi không nói”. Thế nhưng, nếu người đưa thông tin đó là cán bộ, đảng viên thì thực sự bản thân họ muốn nói điều gì, muốn thể hiện quan điểm như thế nào qua việc chia sẻ này, không thể cho rằng đó là “đưa chơi chứ không có ý gì”. Bởi với những thông tin chưa được kiểm chứng, không xác định được đúng sai, mà dẫu có xác định được đúng sai, nhưng với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, với chế độ, việc đưa thông tin như vậy là không phù hợp, rất bất lợi về nhiều mặt. Do đó, với mỗi dòng trạng thái, mỗi bài viết khi được đăng tải công khai lên mạng xã hội nên cần nghĩ đến hậu quả và việc tác động của nó.

Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy “có vấn đề” hoặc gây ra xúc cảm nào đó thì không nên lẳng lặng cho qua. Cán bộ, đảng viên có lẽ không nên chọn giải pháp im lặng như thế, bởi trong một số trường hợp, “im lặng là đồng ý”.

Xét về nhiều mặt, mạng xã hội mang tính cá nhân cao, hầu như hoàn toàn do họ tự đăng tải những thông tin, hình ảnh theo ý chí chủ quan của mình, có thể đăng bất kỳ loại thông tin, hình ảnh gì, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu, dưới bất cứ hình thức gì, trừ một số ít trường hợp vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” do những người thiết lập mạng xã hội đặt ra thì bị hạn chế việc đăng tải. Lợi dụng điểm này, một số người, kể cả cán bộ, đảng viên, đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những bài viết mang thông tin chưa được kiểm chứng, có nội dung công kích, xúc phạm người khác, vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị, không có lợi cho tổ chức của Đảng, của Nhà nước. Trong một số trường hợp, đối với cá nhân không phải là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tức là không bị ràng buộc trách nhiệm do bản thân không là thành viên của một tổ chức nào đó, thì việc đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch nêu trên có thể ít được quan tâm, truy cứu, trừ trường hợp có thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật. Nhưng với những người phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ công dân lẫn vai trò là thành viên của một cơ quan, tổ chức nào đó, bản thân họ phải luôn ý thức rằng bất kể điều gì mình đăng tải liệu có ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nào không, có lợi hay bất lợi cho ai không, có vi phạm các điều lệ hay quy định nào của tổ chức không. Không những thế, bản thân còn phải xác định rõ điều mình đăng có phù hợp hay có lợi chung hay không. Điều này không những đòi hỏi về sự “nhạy cảm chính trị” mà trên hết là sự ứng xử một cách hợp lẽ với cơ quan, tổ chức mà bản thân đang là thành viên.

Tất cả những trường hợp đăng tải thông tin, hình ảnh có biểu hiện không lành mạnh có thể không cần phải bị ai đó khởi kiện vì vi phạm pháp luật, nhưng nếu tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhận thấy chưa phù hợp với tư cách của người đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức thì có thể nhắc nhở, uốn nắn, điều chỉnh hành vi. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức, người lãnh đạo trong việc nhìn nhận, theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình. Chẳng hạn, khi có những bài viết hay chia sẻ đầu tiên chưa lành mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có thể gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Nếu vẫn chưa có chuyển biến tích cực thì cần nêu ra tại các buổi sinh hoạt tập thể như họp cơ quan, họp chi bộ, họp chi đoàn để nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp cần thiết thì dùng tập thể để tác động, phê bình, chỉ ra cái sai mà sửa chữa, khắc phục. Nếu vẫn không phục thiện thì phải cần đến nội quy của cơ quan, kỷ luật của tổ chức để xử lý. Trường hợp nghiêm trọng (như có thư tố cáo hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng) thì phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Đối với đảng viên như đã nêu ở trên, sau nhiều lần giáo dục không thành công, biện pháp cuối cùng là phải đưa ra khỏi tổ chức, bởi sự suy thoái đã đến mức nghiêm trọng.

Để nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội, Chi bộ VKSND huyện Bình Đại thường xuyên quán triệt, chỉ đạo mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong đơn vị cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội. Phải luôn chủ động cập nhật kiến thức xã hội về mọi mặt, nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin một cách phiến diện, một chiều. Tiếp thu và thực hiện các chỉ đạo của cấp trên, đội ngũ cán bộ, đảng viên đơn vị đã luôn giữ vững và phát huy được phẩm chất đạo đức, vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nhằm tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động tại đơn vị thực hiện quyền tự do, dân chủ trước những vấn đề, sự kiện lớn của đất nước, chi ủy chi bộ Viện kiểm sát đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền để nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội tại các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng, các buổi sinh hoạt chuyên đề hàng quý, lãnh đạo luôn lắng nghe, tiếp nhận ý kiến và giải đáp những vấn đề chưa rõ đến tập thể và cá nhân trong đơn vị.

Pháp luật Việt Nam có quy định rất cụ thể về các hành vi sẽ bị xử phạt khi tham gia mạng xã hội, nhưng trên thực tế việc vi phạm vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy nếu mỗi cá nhân không tự ý thức, không tự thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thiếu nghiêm túc thực thi pháp luật thì nạn tin giả, tin sai sẽ khó có thể ngăn chặn. Hơn ai hết mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức nêu gương trong đời sống xã hội cũng như trên mạng xã hội. Việc phát ngôn, hành xử tùy tiện, lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật của một số cán bộ, đảng viên thời gian qua đòi hỏi cần phải chấn chỉnh kịp thời. Nhưng yếu tố quan trọng, quyết định vẫn chính là từ ý thức, trách nhiệm của bản thân mỗi người. Khi tham gia mạng xã hội, mọi cán bộ, đảng viên cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin. Đó cũng là cách thiết thực để phát huy vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước Đảng, Nhân dân.

Mạng xã hội được ví như "con dao hai lưỡi" nên khi tham gia chúng ta cần lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng lối sống thân thiện, văn minh. Đồng thời cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ lai căng, tục tĩu, cá biệt, có tính bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, đã được kiểm chứng. Đặc biệt, không được lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân; không "hùa" theo đám đông khi chưa hiểu rõ hoặc không có căn cứ về một sự việc nào đó gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Mạng xã hội và các trang tin tức cộng đồng là một “môi trường mở”, nó sẽ trở nên thật sự hữu ích nếu người dùng chỉ chia sẻ các thông tin tích cực đã được kiểm chứng, thông tin có tính kết nối, lan tỏa cộng đồng với động thái tốt và những nghĩa cử nhân văn, cao đẹp. Mọi người đặc biệt là cán bộ, đảng viên hãy tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền vận động cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, nhằm tạo thành chuỗi dòng chảy thông tin tích cực lan tỏa nhanh trong cộng đồng góp phần định hướng nhận thức, tạo sức đề kháng cho đội ngũ cán bộ trẻ trước những thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội hiện nay./.

Diễm Phúc - Viện KSND huyện Bình Đại