Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Ngày 15 tháng 7 năm 1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Khoá II (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân gồm 6 chương, 25 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân; Luật này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ngày 26 tháng 7 năm 1960. Đây là đạo luật quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước ta. Khi ấy, Viện kiểm sát là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, cán bộ ngành Kiểm sát phải là những người gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành pháp luật. Vì lẽ đó, Bác Hồ đã căn dặn: Cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Là cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân, chắc ai cũng thuộc lòng mười chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy, xem đây là "kim chỉ nam", là những phẩm chất, đạo đức mà mỗi người cán bộ Kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu trong suốt cuộc đời.

Trải qua các giai đoạn của lịch sử, đến nay tại khoản 1, 2 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính… đã triển khai, cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ và công tác của ngành Kiểm sát nhân dân vào thực tiễn. Với chức năng Hiến định, ngành Kiểm sát nhân dân mang trọng trách rất lớn trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Do đó, từng cán bộ, Kiểm sát viên phải ra sức tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, học tập và làm theo lời dạy của Bác: Đối với cán bộ tư pháp phải: “Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư”; với cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Có như thế, ngành Kiểm sát nhân dân mới xây dựng được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; từ đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Công minh, chính trực được hiểu là sự công bằng, minh bạch, chính nghĩa, trung trực. Theo đó Bác dạy chuẩn mực đạo đức đầu tiên đối với người cán bộ Kiểm sát khi thực thi nhiệm vụ là phải làm sao giữ cái tâm cho sáng, cái đức cho trong, minh bạch, ngay thẳng trong công việc, để đảm bảo sự công bằng, bảo vệ cái đúng, bảo vệ công lý và chính nghĩa. Không vì bất kỳ sự tác động nào mà nao núng, thiên vị dẫn đến giải quyết công việc có điều khuất tất, bất công. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi người cán bộ Kiểm sát trước tiên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn thượng tôn pháp luật, đảm bảo mọi vụ việc đều được tuân theo và xử lý, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, không phân biệt giai cấp, địa vị; phải quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

Bác cũng dạy người cán bộ Kiểm sát phải rèn luyện ý thức, tác phong và phương pháp làm việc một cách khách quan, thận trọng và khiêm tốn. Khi thực thi nhiệm vụ, người cán bộ kiểm sát phải làm sao giữ cho mình sự nhìn nhận, đánh giá một cách công tâm, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan. Tuyệt đối không vì định kiến cá nhân hay những tác động tiêu cực mà mà có cái nhìn phiến diện trong xử lý công việc, xa rời sự thật, thậm chí suy diễn, bóp méo sự thật vì sự thiên vị của mình. Yêu cầu về tính khách quan không chỉ đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát không có sự thiên vị, mà còn phải hết sức thận trọng và khiêm tốn, bởi nếu chủ quan, kiêu ngạo, thiếu sự cẩn trọng, tỉ mĩ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những nhận định, đánh giá phiến diện, không đúng, gây ra sự nhầm lẫn, sai sót nghiêm trọng trong công việc.

Khách quan:Trong thực tế khi giải quyết bất cứ công việc nào cũng cần khách quan, đặc biệt đối với người cán bộ Kiểm sát đức tính đó còn cần thiết hơn rất nhiều, vì có khách quan mới đảm bảo tính công bằng trong giải quyết vụ việc. Với nhiệm vụ chức năng của ngành Kiểm sát thì đảm bảo tính khách quan là một yêu cầu gần như bắt buộc, tuyệt đối không được suy diễn, không chủ quan phiến diện một chiều, khi tổng hợp xem xét đánh giá các vụ việc dân sự hay hình sự… phải đảm bảo đánh giá tổng quan toàn diện các chứng cứ, tìm hiểu kỹ nguyên nhân, động cơ, mục đích, không chỉ dừng lại ở hiện tượng. Và đặc biệt trong giải quyết không được thành kiến hoặc định kiến cá nhân mà cần phải đi sâu phân tích cụ thể từng vấn đề, từ đó giải quyết vụ việc mới thấu tình đạt lý.

Thận trọng:Là khi xem xét, giải quyết một sự việc, đánh giá một con người, phải nhìn toàn diện, không tùy tiện mà phải thận trọng xem xét, đánh giá cân nhắc nhiều chiều từ nguyên nhân điều kiện đến hậu quả, mối quan hệ nhân quả, tính logic của vấn đề. Khi xem xét một vấn đề, Kiểm sát viên đều phải làm rõ nguyên nhân điều kiện, mối liên quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và điều kiện để thể hiện tính đúng đắn và tính nhân văn trong xem xét, xử lý; đảm bảo khi đưa ra quyết định xử lý dưới hình thức nào cũng phải có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Khiêm tốn:Là đức tính bất kỳ ai, làm ngành nghề gì cũng cần phải có. Vì người khiêm tốn sẽ thể hiện đúng mực trong cư xử, trong xử lý công việc, người khiêm tốn sẽ không tự cao, cho rằng mình giỏi hơn người hoặc mình đang có quyền giải quyết công việc nên hách dịch cửa quyền, biết tôn trọng lắng nghe ý kiến tập thể và mọi người xung quanh. Trong thực tiễn đời sống vốn đa dạng, phong phú, khiêm tốn đi đôi với thận trọng sẽ giúp chúng ta đạt được sự chuẩn xác trong xem xét và xử lý mọi việc.

Lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát vẫn còn nguyên giá trị và được xem là tiêu chuẩn quan trọng về đạo đức cho các thế hệ cán bộ, cho sinh viên các khóa học tại trường của Ngành kiểm sát phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện. Mười chữ vàng ấy mãi tồn tại, song hành với chức năng, nhiệm vụ, công tác của ngành Kiểm sát nhân dân. Người cán bộ Kiểm sát muốn “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” trước hết phải có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, phải luôn biết tự học tập, phấn đấu, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ nhằm hoàn thiện mình./.

Viện KSND huyện Thạnh Phú