VIỆN KSND TỐI CAO VIỆN KSND TỈNH BẾN TRE |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số:320/VKS-P1 V/v giải đáp những vướng mắc trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố |
Bến Tre, ngày 08 tháng 7 năm 2014 |
Kính gửi: |
Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố. |
Trong thời gian chuẩn bị sơ kết một năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật TTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (gọi tắt là Thông tư 06), nhiều Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố có công văn gửi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre (Phòng 1) đề nghị giải đáp một số vấn đề liên quan đến thực hiện Thông tư 06.
Sau đây là giải đáp của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre (Phòng 1) về các vấn đề đó; cụ thể như sau:
1. Trường hợp đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ cố ý gây thương tích, bị hại có đơn yêu cầu và trường hợp vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; Cơ quan điều tra thụ lý, tố giác, tin báo về tội phạm sau đó bị hại từ chối giám định tỷ lệ thương tật dù thương tích rất nặng nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp nào ràng buộc bị hại đi giám định để làm cơ sở cho việc xử lý đối tượng gây án.
Đáp: Tuyệt đối không thể nhận đơn là thụ lý ngay tố giác, tin báo về tội phạm (trừ trường hợp phạm pháp quả tang); Cơ quan điều tra khi tiếp nhận thông tin thì ghi vào sổ theo dõi thông tin chung và tiếp tục xác minh làm rõ đến khi có căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố (có kết quả giám định đối với trường hợp gây thương tích...) thì mới đưa vào thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm (xem Điều 9 Thông tư 06).
Nếu đã thụ lý tố giác, tin báo tội phạm Cơ quan điều tra đã ra quyết định phân công Điều tra viên (ĐTV), Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên (KSV) giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì ĐTV động viên, giải thích quyền, nghĩa vụ của người bị hại về việc giám định tỷ lệ thương tích; nếu qua giải thích mà họ vẫn từ chối giám định thì yêu cầu họ viết đơn từ chối giám định và không yêu cầu xử lý hình sự để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp tai nạn giao thông chưa thụ lý nếu bị hại không thưa, không tố giác, không đi giám định thì yêu cầu có đơn từ chối nêu rõ lý do; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thống nhất bỏ qua, không thụ lý.
2. a) Đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, sau khi thụ lý tin báo thì bị hại rút yêu cầu khởi tố, Cơ quan điều tra phải ra Quyết định không khởi tố vụ án, nhưng theo Điều 107 BLTTHS thì không có căn cứ quy định về việc không khởi tố do bị hại rút đơn yêu cầu. Trường hợp sau khi có Quyết định không khởi tố nhưng do bồi thường phần trách nhiệm dân sự chưa thỏa đáng thì bị hại khiếu nại không đồng ý với quyết định không khởi tố và lại yêu cầu khởi tố mặc dù khi bị hại rút đơn là hoàn toàn tự nguyện thì trường hợp này có phải hủy Quyết định không khởi tố để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hay vẫn giữ nguyên Quyết định không khởi tố?
Đáp: Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đó là các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 109, 111, 113, 121, 122, 131, 171 BLHS. Đây là quy định đặc biệt khi rơi vào các trường hợp này các Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án khi có yêu cầu của người bị hại; mặc dù trong trường hợp này phía đối tượng đã có tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tính có lỗi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả, nhưng thiếu yếu tố đối tượng bị xâm hại. Do đó, khi ra quyết định không khởi tố thì căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 107 BLTTHS (Hành vi không cấu thành tội phạm) xem là vi phạm hành chính. Lưu ý: Đơn yêu cầu không khởi tố phải hợp pháp, tức do bị hại tự nguyện viết đơn, nêu rõ lý do vì sao không yêu cầu, cam kết không khiếu nại.
b) Trường hợp sau khi có Quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhưng do việc bồi thường trách nhiệm dân sự chưa thỏa đáng nên bị hại khiếu nại: không đồng ý với quyết định không khởi tố và yêu cầu khởi tố; trường hợp này có phải hủy Quyết định không khởi tố để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hay vẫn giữ nguyên Quyết định không khởi tố?
Đáp: Khoản 2 Điều 105 BLTTHS quy định: Bị hại rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp do bị ép buộc, cưỡng bức, do đó trường hợp sau khi có Quyết định không khởi tố nhưng do bồi thường phần trách nhiệm dân sự chưa thỏa đáng thì bị hại khiếu nại không đồng ý với quyết định không khởi tố và lại yêu cầu khởi tố (bị hại rút đơn là hoàn toàn tự nguyện) thì trường hợp này vẫn giữ nguyên Quyết định không khởi tố. Cơ quan điều tra g iải thích cho họ biết có quyền kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
3. Khoản 2 Điều 103 BLTTHS quy định thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra là 20 ngày. Đối với các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng. Thực tế cho thấy, quy định về thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm như trên là ngắn dẫn đến có nhiều tin báo quá hạn giải quyết vì phải chờ kết quả trưng cầu giám định, nhất là giám định tâm thần hoặc là giám định tỉ lệ thương tật. Ví dụ: Các tin báo về xâm phạm tính mạng, sức khỏe; tin báo về tai nạn giao thông cần phải có thời gian dài để chờ kết quả giám định hoặc chờ nạn nhân phục hồi sức khỏe. Hơn nữa các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố qua xác minh chưa đủ cơ sở xử lý (khởi tố hoặc không khởi tố) thì giải quyết như thế nào?
Đáp: Lưu ý, không thể cứ nhận đơn là thụ lý ngay tố giác, tin báo về tội phạm. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong phân loại đối với những trường hợp nêu trên thì chưa đưa vào thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm mà ghi vào sổ theo dõi thông tin chung và tiếp tục xác minh làm rõ đến khi có căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố (có kết quả giám định) thì mới xem xét thụ lý (Điều 9 Thông tư 06). Nếu đã thụ lý đúng quy trình như trên thì sẽ hạn chế được tin báo quá hạn.
Trường hợp đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định tại Điều 103 BLTTHS mà chưa đủ căn cứ để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, thì CQĐT phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát, sau khi nhận được thông báo bằng văn bản, Kiểm sát viên phải cùng Điều tra viên nghiên cứu kết quả xác minh và báo cáo lãnh đạo hai ngành đề ra yêu cầu xác minh tiếp hoặc thống nhất quan điểm giải quyết. (Quy định tại Điều 13 TT 06 và Điều 12 Quy chế).
4. Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 không quy định cho Viện kiểm sát có quyền kiểm sát việc tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm của Cơ quan điều tra. Trên thực tế Viện kiểm sát chỉ kiểm sát được những thông tin liên quan đến tội phạm mà Cơ quan điều tra xác định là tố giác, tin báo về tội phạm. Đối với những thông tin liên quan đến tội phạm, Cơ quan tiến hành xác minh, phân loại ban đầu cho rằng không phải là tố giác, tin báo về tội phạm thì Viện kiểm sát không kiểm sát được kết quả xác minh ban đầu đối với những thông tin đó nên có khả năng bỏ lọt tội phạm.
Đáp: Đề nghị các đơn vị làm theo Thông tư 06 và Quy chế. Khi phân loại, Cơ quan điều tra có 02 sổ (sổ thông tin chung và sổ thụ lý tố giác tội phạm) mà hai ngành đã thống nhất. Khi Cơ quan điều tra tiếp nhận thông tin ban đầu thì phải ghi vào sổ theo dõi thông tin chung và tiếp tục xác minh làm rõ đến khi có căn cứ ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố (có kết quả giám định) thì mới thụ lý, qua đối chiếu, phân loại thông tin thì Viện kiểm sát nắm được số liệu ở 02 sổ. Khi phân loại cần lưu ý: Thông tin nào rõ ràng không phải tố giác, tin báo tội phạm thì loại hẳn không thụ lý. Thông tin nào rõ là tố giác, tin báo về tội phạm thì thụ lý. Thông tin nào chưa rõ, chưa thể xác định được là tố giác, tin báo về tội phạm hay không phải là tố giác, tin báo về tội phạm thì tiếp tục xác minh, mỗi lần họp phân loại chúng ta nhắc lại, nắm mức độ xác minh thông tin này
Ví dụ: Có một thông tin về tai nạn giao thông Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát khám nghiệm hiện trường, kết quả giám định tỷ lệ thương tật dưới 31% , bị hại không yêu cầu thì loại do không đúng tố giác, tin báo về tội phạm. Nếu CQĐT có 02 sổ thì thông tin này nằm ở sổ thông tin chung, khi họp phân loại tin này Viện kiểm sát sẽ nắm được.
5. Đa số các tin báo về tội phạm đều do Cơ quan điều tra tiếp nhận nên khi Cơ quan điều tra không tiến hành khám nghiệm hiện trường tức CQĐT tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm nhưng bỏ qua giai đoạn hoạt động xác minh ban đầu hoặc tiến hành khám nghiệm hiện trường mà không thông báo cho Viện kiểm sát. Nên một số trường hợp khi giải quyết vụ án hình sự phải tiến hành thực nghiệm điều tra, kéo dài thời hạn điều tra để củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm.
Đáp: Đối với trường hợp Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường mà không thông báo cho Viện kiểm sát thì biên bản khám nghiệm đó chỉ có giá trị tham khảo, nên khi giải quyết vụ án hình sự phải tiến hành thực nghiệm điều tra. Để hạn chế vấn đề này, Viện kiểm sát cần tăng cường công tác phối hợp với Cơ quan điều tra và kiến nghị đối với trường hợp khám nghiệm hiện trường không thông báo Viện kiểm sát biết (Khoản 2 Điều 150 BLTTHS quy định Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát khám nghiệm).
Trường hợp Cơ quan điều tra không khám nghiệm hiện trường tức Cơ quan điều tra bỏ qua giai đoạn xác minh ban đầu, vì nếu có thì Viện kiểm sát biết qua công tác phân loại thông tin.
6. Làm thế nào để phát hiện được Cơ quan điều tra không thụ lý tin báo tố giác về tội phạm (giấu tin). Khi phát hiện giấu tin báo thì giải quyết thế nào.
Đáp: Không thể dựa vào một nguồn thông tin duy nhất từ cơ quan điều tra, Kiểm sát viên cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như qua báo, đài, các cơ quan trên địa bàn, qua tiếp xúc cử tri...để phát hiện việc Cơ quan điều tra giấu tin báo tội phạm.
Hiện Pháp luật của ta chưa có chế tài quy định trường hợp Cơ quan điều tra giấu tin báo, do đó Viện kiểm sát nếu phát hiện được thì kiến nghị. Trường hợp Cơ quan điều tra giấu tin báo nhưng sau đó phát hiện bỏ lọt tội phạm thì kiến nghị xử lý trách nhiệm.
7. Cơ quan điều tra không giải quyết tin báo tố giác về tội phạm đã được Viện kiểm sát kiến nghị, kháng nghị nhiều lần thì phải làm sao?
Đáp: Trước hết xác định lại chúng ta chỉ có kiến nghị, không có kháng nghị đối với việc Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Nghị quyết 37QH, Nghị quyết 63 QH, Quy chế phối hợp thực hiện Nghị quyết 37 đã đề ra chỉ tiêu giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trên 90%, chúng ta đã có Thông tư 06 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và Quy chế phối hợp giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm. Chúng ta có Chỉ thị của Bí thư Tỉnh ủy về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Vì đây là chỉ tiêu pháp lệnh do Quốc Hội ấn định do đó chúng ta cần tiếp tục kiến nghị, đồng thời báo cáo Hội đồng nhân dân, báo cáo cấp ủy địa phương hoặc báo cáo cơ quan điều tra cấp trên.
8. Lượng tin báo có số lượng lớn và tính chất phức tạp nhưng cán bộ điều tra còn hạn chế về số lượng thì làm sao giải quyết tin báo trong thời hạn luật định?
Đáp: Việc bố trí cán bộ điều tra làm công tác tố giác ít hay nhiều là vấn đề tổ chức của ngành bạn; lượng tin báo lớn, liên ngành (Công an-Viện kiểm sát) cần xem lại việc phân loại, thụ lý tố giác, tin báo tội phạm có đúng không, có hiện tượng thụ lý tràn lan không? (Lưu ý là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải có sổ thông tin chung, sau khi họp phân loại, xác minh, đủ điều kiện thì mới thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm thì số tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố sẽ không quá tải.
9. Thực tiễn thời gian qua liên ngành địa phương có sự lúng túng về phân loại giữa tin báo và tố giác tội phạm. Thường thì những thông tin tội phạm CQĐT tiếp nhận từ CA xã chuyển đến mà CA xã lại có thẩm quyền tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm thì phân loại là tin báo hay là tố giác tội phạm và nhất là các vụ án giao thông thường được thông tin qua điện thoại. Điều này có liên quan đến việc sau khi giải quyết tin báo tố giác tội phạm thì phải thông báo cho người tố giác hay cơ quan tổ chức báo tin. Hiện nay, việc phân loại này đang gặp vướng mắc?
Đáp: Theo Thông tư 06 nếu nhận trực tiếp từ công dân biết rõ danh tính, địa chỉ cung cấp cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì đó là tố giác. Tin báo về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do cơ quan, tổ chức cung cấp cho cá nhân, cơ quan có trách nhiệm giải quyết, do đó thông tin cung cấp qua điện thoại không rõ là ai thì xem là tin báo. Công an xã là cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm do đó không phải thông báo cho Công an xã.
Công an xã là cơ quan tiếp nhận tin báo; khi Công an xã thông báo cho công an huyện (cơ quan có thẩm quyền giải quyết) thì phải xem việc tiếp nhận thông tin của Công an xã như thế nào, nếu cá nhân đến trực tiếp Công an xã để tố cáo thì Công an xã có trách nhiệm ghi lại thông tin đó theo quy định, lập biên bản ghi nhận việc tố cáo, trường hợp này xem là tố giác tội phạm, mặc dù sau đó Công an xã báo cho Công an huyện qua điện thoại và phải chuyển đơn tố giác đến Công an huyện, trường hợp này sau khi giải quyết tố giác cơ quan giải quyết phải thông báo cho người tố giác biết.
Trường hợp Công an xã nhận thông tin qua điện thoại, không rõ là ai, không thể lập đơn tố giác được thì xem đây như là tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trường hợp công dân trực tiếp đến Công an xã tố giác bằng lời nói nhưng Công an xã không ghi lại nội dung, tên người tố giác và các thông tin liên quan thì phải chấn chỉnh, từng ngành: Công an, Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm… phải hướng dẫn cho cấp dưới của mình về việc tiếp nhận tố giác.
10. Theo Thông tư 06 quy định thì sau khi tiếp nhận thông tin tội phạm CQĐT nhanh chóng xác minh có phải là tin báo, tố giác tội phạm hay không nhưng không quy định thời gian xác minh trong bao lâu, nên trên thực tế có trường hợp CQĐT để kéo dài không thụ lý giải quyết và thường viện lý do đang xác minh có khó khăn nên chưa thụ lý. Khi chuẩn bị giải quyết thì mới thụ lý vào sổ và thông báo cho Viện kiểm sát nắm.
Đáp: Việc phân loại, xác minh ban đầu là bắt buộc, thời gian xác minh ban đầu không quy định trong bao lâu, nên Cơ quan điều tra xác minh đến khi xác định thông tin đó là tố giác, tin báo về tội phạm thì thụ lý giải quyết là đúng.
Lưu ý: Định kỳ họp phân loại, Liên ngành phải phối họp, bàn, nhắc lại kết quả giải quyết các vụ việc xác minh cũ còn vướng ở chỗ nào, vướng cái gì để bàn cách tháo gỡ.
11.Thủ tục trực tiếp kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra quy định như thế nào? Các kế hoạch, kết luận căn cứ vào quy định nào?
Đáp: Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, do đó trước mắt khi chúng ta tiến hành kiểm sát trực tiếp về thủ tục làm tương tự các khâu nghiệp vụ khác, chúng ta phải có quyết định, kế hoạch và kết luận, kiến nghị khắc phục vi phạm. Về căn cứ ghi căn cứ Điều 103 BLTTHS, Điều 27 Luật tổ chức VKS và quy chế phối hợptrong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để thường kỳ và bất thường trực tiếp kiểm sát.
Trên đây là hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre (Phòng 1), đề nghị các đơn vị nghiên cứu vận dụng. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị gửi về Phòng 1 để được giải đáp./.
Nơi nhận: |
TL. VIỆN TRƯỞNG |
|
- Viện KSND các huyện, thành phố; - Phòng 2; - Đ/c Châu Văn Thơi-PVT (b/cáo); - Lưu P1. |
TRƯỞNG PHÒNG
(đã ký)
Nguyễn Ngọc Vân |