Trong thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đang thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTN-VKSTC ngày 02/8/2013 về “tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”. Qua 04 năm thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chính vì lẽ đó, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2018, trong đó chương khởi tố vụ án hình sự được sửa đổi, bổ sung từ 10 điều (luật hiện hành) thành 20 điều. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được xem như giai đoạn đầu trong tố tụng hình sự và được luật quy định từ Điều 144 đến Điều 150 (BLTTHS 2015). Trong đó, hàm chứa những nội dung như:

- Điều 144: Làm rõ các khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm giải quyết những vướng mắc đặt ra trong thực tiễn.

- Các Điều 146, 147, 151, 152: Điều chỉnh thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố từ 02 tháng lên 04 tháng nhằm giải quyết những khó khăn trong thực tiễn vì đối với vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp cần rất nhiều thời gian để xác minh. Bên cạnh đó, luật còn quy định việc gia hạn phải do Viện kiểm sát quyết định nhằm tránh lạm dụng, kéo dài thời gian giải quyết. Đồng thời, quy định cụ thể các biện pháp được phép áp dụng trong giai đoạn này nhằm khắc phục những kẽ hở của pháp luật hiện hành.

- Điều 148: Cho phép tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố khi các trường hợp luật quy định.

Ngoài ra, luật còn quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng (các Điều 159, 160, 161)./.

Hoàng Minh Hạnh – Phòng 3 Viện KSND tỉnh Bến Tre