( Trích: Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số ra tháng 5 (349) năm 2017 của Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Khánh – Viện KSND huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre – trang 43 đến 45).

Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 là một quy định vừa mang tính kế thừa của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, vừa chứa đựng những quy định mới. Đây là quy định mang tính “lựa chọn” hay nói cách khác là theo nhu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (gọi chung là người bị hại). Quy định này đã ảnh hưởng đến quyền của người bị hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”. Như vậy, theo quy định trên thì chỉ những tội phạm quy định giới hạn tại Khoản 1 các Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), Điều 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính), 141(Tội hiếp dâm), Điều 143 (Tội cưỡng dâm), Điều 155 (Tội làm nhục người khác), Điều 156 (Tội vu khống) và Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) của Bộ luật hình sựnăm 2015 thì các Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền chỉ có thể tiến hành khởi tố vụ án hình sự khi bắt buộc phải có yêu cầu của người bị hại; nếu không có yêu cầu của người bị hại thì cho dù vụ án có đầy đủ dấu hiệu của tội phạm theo Điều 143 BLTTHS năm 2015 thì các Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền cũng không được quyền khởi tố vụ án. Việc BLTTHS năm 2015 quy định như trên xét thấy còn một số bất cập vì: Quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu người bị hại là quy định mang tính kế thừa của BLTTHS hiện hành. Qua thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự cho thấy người bị hại chưa sử dụng tốt quyền của mình trong việc yêu cầu khởi tố vụ án bởi nhiều tố khác nhau như bị tác động bởi yếu tố vật chất (người bị hại được thương lượng thỏa thuận bồi thường), bị tác động bởi yếu tố tinh thần (người bị hại được hứa hẹn, bị dụ dỗ, mua chuộc hay được thỏa mãn những nhu cầu nào đó về tinh thần…) hoặc các yếu tố khác (người thực hiện hành vi phạm tội là người thân thích hoặc người khác mà người bị hại không muốn yêu cầu xử lý hình sự) thì cho dù hành vi của người thực hiện hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng chỉ vì người bị hại bị tác động bởi các yếu tố trên mà không thể yêu cầu xử lý hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, mục đích của luật hình sự trong trường hợp này chưa thực hiện được “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật” và nhiệm vụ của luật hình sự là “…chống mọi hành vi phạm tội…” chưa đạt được. Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 quy định các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại chủ yếu thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156) và một tội thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Điều 226). Việc BLTTHS quy định như vậy là chưa hợp lý và chưa bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng như chưa bảo đảm tốt quyền con người trong tố tụng hình sự vì có sự phân biệt, bất bình đẳng giữa các nhóm tội khi điều luật quy định chỉ một số nhóm tội chủ yếu là các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Trong khi đó, một số tội khác như các tội xâm phạm quyền sở hữu, các tội về vi phạm giao thông cũng cần quy định trong khoản 1 Điều 155 BLTTH năm 2015 vì người bị hại trong những tội này có muốn xử lý người thực hiện hành vi phạm tội đối với họ hay không là quyền của họ và điều này gắn với nhu cầu của họ có muốn yêu cầu khởi tố hay không hay cần một phương thức giải quyết khác phi hình sự. Chẳng hạn như: “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 thì trong thực tế nhiều trường hợp người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại không muốn Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xử lý hình sự người phạm tội vì họ là người thân trong gia đình hoặc những người khác mà họ không muốn những người này bị xử lý hình sự. Ví dụ: Con điều khiển xe ô tô chở bố, mẹ…vi phạm luật giao thông đường bộ gây tai nạn và hành vi của người con đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015. Trong trường hợp này Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền vẫn xử lý hình sự đối với hành vi gây tai nạn của người con và tiến hành khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi nêu trên mặc dù bố, mẹ của người đó hoàn toàn không muốn con của mình bị xử lý hình sự. Hay trường hợp con cái trộm cắp tài sản của bố mẹ mà đủ định lượng hoặc đủ yếu tố cấu thành khác cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 thì vẫn bị khởi tố hình sự đối với con của họ mặc dù bố, mẹ không mong muốn điều đó… Qua các ví dụ trên, xét về khía cạnh các mối quan hệ cho thấy đa số người bị hại là người thân thích của người thực hiện hành vi phạm tội đều không muốn người thân của mình bị xử lý hình sự nhưng chỉ vì hành vi của những người này theo quy định của luật hình sự là tội phạm nên phải chịu sự điều chỉnh của luật hình sự. Trong trường hợp này, nhiệm vụ của luật hình sự mang tính cứng nhắc và tỏ ra không cần thiết khi chỉ hướng đến bảo vệ những lợi ích chung mà bỏ qua những giá trị cốt lỗi “đạo đức gia đình” bởi lẽ không có cha mẹ nào muốn xử lý hình sự con cái mình, “quyền và lợi ích hợp pháp của công dân” trong trường hợp này không có nhu cầu được bảo vệ bởi pháp luật hình sự và có chăng đi nữa thì BLTTHS cũng cần phải trao cho họ quyền được khởi tố theo yêu cầu của họ nếu họ muốn điều đó; do vậy, tuy lợi ích của người bị hại trong các trường hợp này bị xâm phạm nhưng khi họ cảm thấy không có “nhu cầu” được bảo vệ bởi luật hình sự thì họ có quyền lựa chọn một cơ chế giải quyết khác phi hình sự bằng hình thức không yêu cầu khởi tố vụ án thì xét thấy quyền của người bị hại trong các trường hợp này là chính đáng đồng thời bảo đảm tính nhân văn hơn của chính sách pháp luật hình sự.

Một điểm mới trong BLTTHS năm 2015 là quy định cơ chế sử dụng quyền yêu cầu của người bị hại trong khởi tố vụ án hình. Khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ…”. Như vậy, so với quy định trong BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã tiến bộ hơn khi mở rộng quyền rút yêu cầu của người bị hại là người bị hại được quyền rút yêu cầu bất cứ lúc nào trong suốt quá trình tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử (Khoản 2 Điều 105 BLTTHS năm 2003 quy định người bị hại chỉ được rút yêu cầu trước khi mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án mới được đình chỉ). Thực tiễn cho thấy, người bị hại rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa sơ thẩm như BLTTHS năm 2003 quy địnhdẫn đến việc hạn chế quyền của người bị hại, bởi vì thông qua hoạt động xét xử thì mới làm rõ được những tình tiết của vụ án. Chẳng hạn, tại phần xét hỏi và tranh luận thì nhiều tình tiết của vụ án được làm rõ, đặc biệt là người bị hại được thỏa mãn những vấn đề ảnh hưởng đến yếu tố rút yêu cầu xử lý hình sự của họ mà các giai đoạn tố tụng trước họ chưa có ý định này thì nay họ thay đổi ý định nên muốn rút yêu cầu xử lý hình sự như vấn đề được thỏa thuận bồi thường thích đáng, người bị hại chứng kiến bị cáo thật sự ăn năn hối cải hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người bị hại…làm họ thật sự muốn rút yêu cầu xử lý hình sự đối với bị cáo. Thực tế cho thấy, tại phiên tòa nhiều vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại mà tại đó họ muốn rút yêu cầu khởi tố nhưng không được Hội đồng xét xử xem xét vì không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 105 BLTTHS năm 2003 mà Hội đồng xét xử chỉ có thể căn cứ vào Điểm c, Mục 5, Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999 và áp dụng Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 để xem xét đó như là một tình tiết giảm nhẹ “người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo” hoặc Hội đồng xét xử thảo luận và ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự 1999 hoặc miễn hình phạt cho bị cáo theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự 1999 hoặc Hội đồng xét xử sẽ tìm lý do nào đó để hoãn phiên toà, sau đó yêu cầu người bị hại gửi đơn đề nghị được rút yêu cầu khởi tố và Toà án ra quyết định đình chỉ vụ án. Do đó, Khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định như trên đã mở rộng quy định về quyền rút yêu cầu của người bị hại, người bị hại được rút yêu cầu khởi tố không chỉ trước khi mở phiên toà sơ thẩm, việc quy định như vậy là hợp lý và tôn trọng quyền của người bị hại. Ngoài ra, một quy định mới khác của BLTTHS năm 2015 về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại mang tính tiến bộ hơn quy định của BLTTHS hiện hành là trong Khoản 1 Điều 155 đã bãi bỏ bớt một tội được khởi tố theo yêu cầu người bị hại là tội “Xâm phạm quyền tác giả” (Khoản 1 Điều 105 BLTTHS năm 2003 quy định tội này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại), việc BLTTHS năm 2015 bãi bỏ đi điều luật này mang lại một tín hiệu tích cực hơn vì thực trạng hiện nay quyền tác giả đang bị xâm phạm ngày càng nhiều và nghiêm trọng cũng như hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, thậm chí việc xâm phạm diễn ra nhưng tác giả vẫn không hay biết. Do đó, hành vi xâm phạm này cần được bảo vệ mà không cần phải có yêu cầu của người bị hại. Do đó, Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 bỏ tội này ra khỏi nhóm tội phải được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại là hợp lý, bảo vệ tốt hơn quyền tác giả, quyền liê n liên quan và phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đối với một số tội thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người như tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm cũng cần sửa đổi theo hướng không cần khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền cần tiến hành khởi tố vụ án hình sự ngay khi có đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự vì những người bị hại trong các tội này thường bị xâm hại nhưng họ thường có tâm lý ngại tố cáo đối tượng thực hiện hành vi tội phạm vì một mặt họ sợ bị ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, mặc cảm với người thân, bạn bè, xã hội; mặt khác, họ thường bị đối tượng thực hiện hành vi đe dọa nên có tâm lý e dè không muốn tố cáo, không muốn yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền khởi tố vụ án. Đặc biệt, những bị hại là người có nhược điểm về thể chất, tinh thần là những người thường bị xâm hại nhiều nhất vì các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội hiếp dâm, cưỡng dâm thường lợi dụng sự thiểu năng của các bị hại này mà xâm hại vì khả năng bị tố cáo sẽ thấp hơn do đặc điểm về thể chất, tinh thần của họ bị hạn chế; ngoài ra, người đại diện hợp pháp của những người bị hại là người có nhược điểm về thể chất tinh thần cũng dễ bị tác động bởi các yếu tố như lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần từ những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội làm họ không muốn tố cáo mà chỉ muốn thương lượng tự giải quyết. Hiện nay, vấn đề xâm phạm tình dục xảy ra ngày càng nhiều và tính chất nguy hiểm ngày càng cao gây ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, tâm lý của người bị hại. Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị hại và tăng cường tính răng đe của pháp luật cũng như chống bỏ loạt tội phạm thì đối với nhóm tội phạm này, trong đó có tội hiếp dâm và tội cưỡng dâm, Bộ luật tố tụng hình sự cần loại bỏ hai tội này ra khỏi các tội phải khởi tố chỉ khi có yêu cầu của người bị hại.

Nguyễn Văn Khánh – Viện KSND huyện Ba Tri