Vấn đề Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra chuyển vụ án cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử được quy định tại Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, phù hợp với hệ thống tổ chức của các cơ quan tiến hành tố tụng, phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Theo quy định tại Điều 239 BLTTHS 2015, chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Vì vậy, vấn đề đặt ra là Viện kiểm sát các cấp, đặc biệt là các đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm đến công tác phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án để phân loại vụ án, xác định thẩm quyền điều tra. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với những vụ án có quy mô, tính chất không lớn, không cần thiết phải do Cơ quan điều tra cấp tỉnh thực hiện thì kiên quyết chuyển cho Cơ quan điều tra cấp huyện điều tra theo thẩm quyền. Đối với những vụ án có tính chất rất phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương…mà xét thấy nếu để cấp dưới điều tra sẽ gặp những khó khăn nhất định hoặc không thể thực hiện được. Trong trường hợp này, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh sau khi thụ lý vụ án, cần xác định Viện kiểm sát cấp dưới sẽ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử để sớm thông báo cho đơn vị đó biết, tạo điều kiện trao đổi thông tin hoặc yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phối hợp cùng Kiểm sát viên kiểm sát điều tra nghiên cứu hồ sơ vụ án để nắm các tình tiết của vụ án, hành vi phạm tội của từng bị can, kịp thời phát hiện những tình tiết chưa được điều tra làm rõ để yêu cầu điều tra, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Khi Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát quyết định việc xử lý vụ án, Viện kiểm sát cấp trên mời Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án cùng phối hợp trong việc nghiên cứu hồ sơ, thống nhất quan điểm xử lý vụ án trước khi lập Cáo trạng truy tố.

Đối với những vụ án phức tạp, các vụ phạm tội có tổ chức…, Viện kiểm sát cấp trên cử Kiểm sát viên tham dự phiên tòa để phối hợp với Viện kiểm sát cấp dưới thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án.

Trên đây là một số vấn đề cần trao đổi các bạn đồng nghiệp trước khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, mong các bạn có ý kiến thêm./.

Thanh Thiện – Phòng Thanh tra VKSND tỉnh